Kể từ khi Uỷ ban châu Âu áp dụng "thẻ vàng IUU" về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo đối với ngành khai thác thuỷ sản Việt Nam từ tháng 10/2017 cho đến nay, hầu hết các địa phương ven biển đều nỗ lực thực hiện 9 tiêu chí do Uỷ ban châu Âu đưa ra để nhanh chóng gỡ bỏ "thẻ vàng".
Là một trong 28 tỉnh có biển, tỉnh Tiền Giang cũng đang nỗ lực rất lớn để thực hiện Luật Thuỷ sản 2017, chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo.
UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay tuy số lượng tàu cá của Tiền Giang không nhiều như tỉnh Kiên Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, nhưng để góp phần gỡ bỏ "thẻ vàng IUU", tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tốt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Đến nay, 85% số tàu cá từ 15m trở lên trên địa bàn toàn tỉnh đã ký cam kết lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đồng thời có 142 phương tiện đánh bắt đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Mặt khác, tỉnh giao Chi cục Thủy sản nâng cấp thiết bị Trạm bờ quản lý vị trí tàu cá để có thể theo dõi quản lý vị trí tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Qua quá trình này đã kịp thời thông tin cho nhiều chủ tàu cá nhắc nhở, cảnh báo thuyền trưởng khi khai thác gần với vùng biển nước ngoài, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết.
Mặt khác, Ban Quản lý Cảng cá Mỹ Tho và Cảng cá Vàm Láng tăng cường tuyên truyền, giám sát, theo dõi tàu cá cập cảng và rời cảng, hướng dẫn cho thuyền trưởng tàu cá ghi chép nhật ký, tuyên truyền các quy định về kiểm tra, giám sát tàu cá ra vào cảng để quản lý chặt chẽ và hiệu quả.
Đồng hành với Tiền Giang trong việc ráo riết thực hiện tốt giám sát, xử phạt các tàu cá vi phạm khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định, tỉnh Bình Định siết chặt các khâu kiểm tra hồ sơ, thiết bị trước khi cấp phép cho tàu ra khơi, bám biển.
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá và 3 tổ thường trực tại các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản. Ngoài kiểm tra giấy tờ, tổ thường trực tại các cảng cá ở Bình Định còn kiểm tra thực tế khi tàu cập bến để xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Theo đó, Chi cục Thủy sản Bình Định là đầu mối theo dõi, giám sát tàu cá qua cơ sở dữ liệu, khi phát hiện tàu cá vượt ranh giới ra ngoài vùng biển Việt Nam theo bản đồ trên thiết bị giám sát hành trình, Chi cục Thủy sản phải thông báo cho các ngành liên quan, chính quyền các địa phương liên hệ yêu cầu tàu quay trở lại vùng biển Việt Nam. Những trường hợp bị cảnh báo này, khi tàu về bờ, ngành chức năng sẽ xác minh, củng cố chứng cứ nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử phạt.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết, đối với trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối, Chi cục Thuỷ sản liên lạc với chủ tàu, thuyền trưởng yêu cầu khắc phục sớm nếu thiết bị hỏng. Thuyền trưởng sử dụng thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá báo cáo hành trình tàu theo tần suất 6 giờ/lần. Trong thời hạn 10 ngày, nếu tàu cá đó chưa khắc phục được sự cố về thiết bị giám sát hành trình thì buộc chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải cho tàu quay về bờ. Nếu tàu cá ấy không chấp hành, cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với sản phẩm hải sản nhập cảng sau khi đánh bắt, đội ngũ quản lý các cảng cá cũng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nguồn gốc hải sản. Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định chia sẻ, khi cập cảng, các chủ tàu cá phải báo cáo chi tiết với ngành chức năng về hoạt động khai thác thủy sản, hành trình chuyến biển, tổng sản lượng khai thác được, sản lượng từng loại sản phẩm… Tất cả phải được ghi đầy đủ trong sổ nhật ký khai thác, phải đảm bảo đúng quy định thì mới được xác nhận sản phẩm thủy sản hợp pháp.
Việc chống khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định hiện nay đã được Uỷ ban châu Âu công bố tại nhiều quốc gia, châu lục. Đây là hoạt động nhằm đảm bảo quyền lợi cho ngư dân nước sở tại, cũng là hoạt động nhằm bảo vệ môi trường sinh thái biển, phát triển đa dạng loài bền vững.
Theo thống kê của Uỷ ban châu Âu, châu Âu là thị trường nhập khẩu các sản phẩm thủy sản lớn nhất thế giới và ước tính giá trị toàn cầu của các sản phẩm thủy sản đánh bắt IUU khoảng 11-22 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở về trước, mỗi năm có từ 11 – 26 triệu tấn thủy sản bị đánh bắt bất hợp pháp được giao thương trên thế giới, chiếm ít nhất 15% sản lượng đánh bắt của thế giới.
Tiến sĩ Theerapat Prayurasid, Thư ký Thường trực của Bộ Nông ngiệp và Hợp tác xã Thái Lan, đã tuyên bố hoạt động khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định là mối đe doạ nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của các nguồn lợi thuỷ sản và môi trường biển. Ông cho biết chống khai thác bất hợp pháp rất phức tạp vì các nguồn lợi thuỷ sản đang được chia sẻ bởi nhiều nước và các sản phẩm thuỷ sản được giao dịch trong các khu vực trước khi xuất khẩu.
Chính vì điều này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam xác định, muốn ngành thuỷ sản của Việt Nam được thế giới đón nhận, thì nghề cá Việt Nam cũng phải nỗ lực để hoà nhập cùng thế giới, đặc biệt là sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Bà Cao Thị Kim Lan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định cho biết, việc thông qua EVFTA là “cú đỡ”, là động lực để doanh nghiệp bứt phá và tăng thị phần tại thị trường châu Âu. Bài toán duy nhất hiện nay của thủy sản đó là cần phải cấp bách tháo gỡ cảnh cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về nguồn gốc xuất xứ thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từng địa phương, từng cảng cá và ngư dân cần sự chung tay thực hiện để hoà nhập với xu thế thế giới. Như thế, các lô hàng thủy sản mới đủ điều kiện xuất xứ. Từ đó Uỷ ban châu Âu mới gỡ “thẻ vàng” và doanh nghiệp mới tiếp cận được ưu đãi. Sau đó mới có thể thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Thuận Phước, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng nhìn nhận, nếu vi phạm các tiêu chuẩn vào châu Âu, doanh nghiệp đừng nghĩ đến việc sẽ được trả hàng trở lại mà phải tốn một khoản lớn chi phí để đền bù thiệt hại hợp đồng và chi phí tiêu hủy lô hàng đó tại châu Âu. Và những lô hàng sau đó sẽ bị kiểm soát gắt gao hơn. Mọi tranh chấp, vi phạm tại châu Âu sẽ được xử lý bằng trọng tài quốc tế.
Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán vào châu Âu phải đảm bảo tuyệt đối về số lượng, chất lượng, tiến độ giao hàng. Hàng hóa sau khi lưu thông còn có một lực lượng rất đông tổ chức, người tiêu dùng đánh giá về khâu hậu kiểm. Đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam điều đó không đơn giản. Khi thực hiện tốt được điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam có đủ sức để cạnh tranh tại tất cả các thị trường khó tính khác, và nhiều cơ hội hơn tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu, bỏ được việc phụ thuộc vào một vài thị trường, ông Lĩnh nói thêm.