Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực sự trở thành phong trào được xã hội, các cấp, ngành, địa phương, người dân quan tâm và hưởng ứng.
Năm 2018, các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đạt và vượt nhiều mục tiêu đề ra cả về số lượng và chất lượng. Ban Chỉ đạo đã chọn ra 5 sự kiện nổi bật của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và 5 sự kiện nổi bật của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đó là các sự kiện:
1. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã bứt phát để hoàn thành vượt mức mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ giao. Đến hết năm 2018 cả nước có 43,02% số xã và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu hoàn thành mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn trong năm 2019, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.
2. Hoàn thiện tiêu chí, đề án và triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mấu ở cấp xã và thí điểm ở cấp huyện. Ngày 05/6/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 691/QĐ-TTg Ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020 áp dụng cho cả nước và đến hết 2018 đã có 31 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, 4 tỉnh đang triển khai xây dựng Đề án thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình nông thôn mới đã có bước chuyển mình vững chắc, đi vào chiều sâu, chất lượng và bền vững.
3. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 được phê duyệt và triển khai trên cả nước.
4. Đến hết năm 2018 đã có 1.194 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo tinh thần đề án hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở vùng có điều kiện khó khăn.
5. Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình nông thôn mới năm 2018 tăng hơn 50% so với năm 2017; trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ trực tiếp đạt 43,8 nghìn tỷ đồng (bằng 1/2 cả giai đoạn 2011 - 2015) nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp và được sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội, cơ bản xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng yêu cầu tiến độ của Quốc hội.
6. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm 1,35% so với năm 2017 xuống còn 5,%, đây là năm thứ ba liên tiếp mục tiêu giảm nghèo hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm nghèo do Quốc hội giao.
7. Biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, đã có 8 huyện, xã và 30 hộ điển hình đại diện cho 981.545 hộ gia đình thoát nghèo được vinh danh. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bỏ lại phía sau” tiếp tục được thực hiện với sự tham gia, ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, Quỹ Vì người nghèo với số tiền hơn 863 tỷ đồng.
9. Đã có 501 hộ gia đình, bao gồm 365 hộ nghèo và 136 hộ gia đình người có công tại 20 huyện nghèo thuộc 11 tỉnh được hỗ trợ 20 tỷ đồng để làm nhà từ kinh phí bán áo thi đấu và trái bóng có chữ ký của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tặng Thủ tướng Chính phủ; Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo lần thứ 2 được thực hiện thành công.
10. Lần đầu tiên Báo cáo Nghèo đa chiều ở Việt Nam được xây dựng và công bố. Báo cáo đã đưa ra bức tranh tổng quan về xu hướng giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn cho mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thông tin về cuộc thi báo chí về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững dành cho các nhà báo ASEAN, ông Trần Bá Dung, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cuộc thi nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc đẩy mạnh truyền thông về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong các nước ASEAN, một vấn đề vừa mang tính khu vực vừa mang tính toàn cầu. Cuộc thi cũng sẽ góp phần phản ánh, truyền thông rộng rãi về những thành tựu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững của các nước ASEAN; trong đó có Việt Nam.
Các nhà báo là thành viên của các Hội báo chí thuộc các nước ASEAN có thể tham dự ở các thể loại: báo in, báo điện tử và ảnh báo chí. Các tác phẩm được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018 và dự thi gửi về Hội Nhà báo Việt Nam, số 59 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Những tác phẩm đạt giải sẽ được công bố và trao giải trong quý III/2019.
Đối với cuộc thi báo chí về nông thôn mới năm 2018, đây là năm thứ 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Cuộc thi báo chí viết về Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020”. Ở cuộc thi này, Ban tổ chức đã nhận được gần 450 tác phẩm dự thi, phản ánh đa dạng, phong phú phong trào xây dựng nông thôn mới ở cơ sở; đồng thời khắc họa được các mô hình và nhân vật điển hình, tiên tiến tại các địa phương.
Đặc biệt, nhiều tác phẩm có tính chuyên nghiệp, đầu tư công phu, có sự tích lũy, chỉ ra được nguyên nhân của thành công để các địa phương khác có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Qua đó, đã có 39 tác phẩm được công nhận đoạt giải gồm: 4 giải A, 7 giải B, 11 giải C và 17 giải khuyến khích ở 4 loại hình báo chí.
Lễ công bố 10 sự kiện nổi bật các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018; trao giải cuộc thi báo chí về nông thôn mới năm 2018 và phát động cuộc thi báo chí về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững dành cho các nhà báo ASEAN sẽ được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 12/5/2019.