Chiều 15/11, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị Kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vào tỉnh Ninh Thuận với sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, dịch vụ, giao thông...
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang đứng trước những cơ hội phát triển mới. Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các dự án được thu hút đầu tư gồm: Bổ sung sân bay Thành Sơn với công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã hoàn thành đi vào hoạt động, rút ngắn thời gian từ Ninh Thuận đi TP Hồ Chí Minh từ 6 - 7 giờ xuống còn 3 - 4 giờ... Đây là những điều kiện quan trọng và góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.
Ngoài ra, theo quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định chọn 5 cụm ngành đột phá gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản. Hai động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị.
"Để thu hút nhiều nhà đầu tư, hiện nay, tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng bảo đảm quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển. Đối với chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh cũng đã và đang áp dụng chính sách đầu tư vào tỉnh theo hướng bảo đảm quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu", ông Trần Quốc Nam cho biết thêm.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho biết, để thu hút các nhà đầu tư, trong chiến lược thúc đẩy du lịch của Ninh Thuận, tỉnh cần đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển văn hóa Chăm, bởi đây là nét văn hóa đặc trưng của tỉnh để thu hút du khách tìm hiểu. Ngoài ra, tỉnh cũng cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục, thu hút thêm dân cư, sinh viên thông qua các chương trình giáo dục tại các trường; kéo sinh viên bằng mức học phí thấp để tăng dân số tự nhiên, qua đó tạo nguồn nhân lực tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, qua quan sát khu vực Đầm Nại của Ninh Thuận, rất nhiều tiềm năng trở thành điểm đến mới thu hút khách. Tỉnh nên được quy hoạch hạ tầng, cư dân kết nối với vùng trọng điểm Phan Rang để phát triển du lịch Đầm Nại; tỉnh cũng nên quy hoạch cụm công nghiệp đưa về khu tây Quốc lộ 1, để dành vùng đất ven biển phát triển du lịch, thể thao… Công ty sẵn sàng tham gia với tỉnh đầu tư vào khu vực vịnh Vĩnh Hy, Cà Ná hay khu vực Đầm Nại để quy hoạch, đầu tư và phát triển một vùng du lịch đặc trưng cho Ninh Thuận.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công cho biết, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch, vì vậy, Ninh Thuận cần nghiên cứu phát triển về hạ tầng, mật độ dân số… để đón các nhà đầu tư lớn vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, các điểm du lịch… Trước khi đầu tư, những đơn vị này cũng sẽ tìm hiểu cơ sở hạ tầng, mật độ dân số, tiềm năng kinh tế... Một khi tỉnh đã có chuẩn bị đầy đủ tiềm lực thì doanh nghiệp sẽ sẵn sàng đầu tư.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, là địa phương phát triển kinh tế tại phía Nam, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm cho Ninh Thuận phát triển các thế mạnh vốn có của tỉnh. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có thế mạnh về công nghệ thông tin, kinh tế, công nghệ số, dịch vụ du lịch... vì vậy, TP Hồ Chí Minh sẽ thúc đẩy liên kết mạnh mẽ hơn nữa với tỉnh Ninh Thuận để cùng nhau phát triển thương mại hai chiều.
TP Hồ Chí Minh cũng sẽ hỗ trợ Ninh Thuận phát triển các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh vào các chuỗi siêu thị lớn của TP Hồ Chí Minh; tiếp tục hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao nghiệp vụ về xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá du lịch cho Ninh Thuận trên địa bàn.