Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 306,06 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 81,49 tỷ USD, giảm 2,6%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 224,57 tỷ USD, giảm 7,7%, chiếm 73,4%.
Có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,1%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản sơ bộ đạt 3,76 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 270,45 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 24,02 tỷ USD, chiếm 7,8%; nhóm hàng thủy sản đạt 7,82 tỷ USD, chiếm 2,6%.
Về nhập khẩu hàng hóa, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 281,62 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 100,54 tỷ USD, giảm 9,8%, chiếm 35,7% tổng kim ngạch nhập khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,08 tỷ USD, giảm 12,7%, chiếm 64,3%.
Có 43 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,6%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 264,13 tỷ USD, chiếm 93,8%; trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng sơ bộ đạt 17,49 tỷ USD, chiếm 6,2%.
Tổng cục Thống kê cho biết, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 24,44 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,1 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,05 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 43,49 tỷ USD.
Để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Cùng đó, Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…; đồng thời, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Đặc biệt, Bộ Công Thương còn chú trọng việc tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, phát triển xanh, xuất khẩu xanh, bền vững được định hướng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021- 2030 của Việt Nam. Do đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.