Như vậy, cùng với lộ trình nối lại sản xuất, phục hồi kinh tế, cho phép mở lại các loại hình dịch vụ, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện đã ổn định trong trạng thái bình thường mới.
Theo Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, trên địa bàn Thành phố, hiện không có siêu thị đóng cửa (106/106 siêu thị hoạt động), 3.014/3.101 cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/10, mới có 130 chợ truyền thống mở cửa trở lại, còn 104 chợ còn lại vẫn đang trong lộ trình mở lại hoạt động, trên tinh thần đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Theo dự kiến, từ nay đến ngày 5/11/2021, TP Hồ Chí Minh sẽ mở lại thêm 18 chợ. Trong đó, chợ đầu mối Hóc Môn chính thức mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 22/10; Chợ Thủ Đức, chợ Bình Điền vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa cho các hệ thống cung cấp lương thực, thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố và các tỉnh. Việc ra vào khu vực chợ đầu mối được thực hiện kiểm tra khai báo y tế, có test COVID-19 và quét mã QR.
Nhiều chợ truyền thống khác mặc dù chưa chính thức được hoạt động nhưng tại các chợ vẫn có nhiều quầy, sạp bán các loại rau, củ, quả, thịt.
Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố hiện đã tăng 2,5% một ngày, ước đạt 5.771,9 tấn/ngày. Trong đó, lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 28/10 ước đạt 1.330 tấn/ngày.
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại). Tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 29/10 tăng 10% so với ngày 27/10, ước đạt 1.935 tấn/đêm (trong đó cung ứng ra thị trường lẻ là 774 tấn/ngày, cho hệ thống phân phối khoảng 1.161 tấn/ngày).
Tại các tỉnh, thành phía Nam khác, nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm.
Tại tỉnh Vĩnh Long, tình hình hoạt động tại các chợ, siêu thị, và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Sức mua tại chợ, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích ổn định. Theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, ngày 30/10, lượng hàng hóa thiết yếu được nhập về đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Tổng lượng đơn hàng trong ngày (bao gồm cả hình thức bán trực tiếp và đặt hàng qua điện thoại, online, giao hàng tận nơi cho khách hàng) tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ước khoảng 4.206 đơn, tăng 5% so với ngày 29/10. Giá cả tại các chợ truyền thống, hệ thống phân phối, các cửa hàng Bách hóa xanh, Vinmart+ và Siêu thị CoopMart trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định.
Tại tỉnh Hậu Giang, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn diễn ra tương đối bình thường. Việc sử dụng các kênh mua hàng trực tuyến qua điện thoại, zalo và app của hệ thống siêu thị, cửa hàng Bách hóa Xanh và một số đơn vị trên địa bàn tỉnh đang gia tăng và có hướng phát triển mạnh.
Tình hình cung ứng các loại thực phẩm tươi sống như: Rau, củ, quả, trứng, thịt, cá, …và các loại thực phẩm thiết yếu khác tại tại chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh nguồn cung đảm bảo, giá cả hàng hóa tương đối ổn định; sức mua tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi so ngày 29/10 không thay đổi.