Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng tin tưởng, trong tương lai doanh nghiệp Việt Nam sẽ nâng tầm và có thể tiếp cận được với nền công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Trải qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đóng góp của khu vực này là rất rõ. Tuy nhiên, vẫn còn băn khoăn giữa cái được và mất của dòng vốn này. Ông có thể phân tích rõ hơn?
Nhìn nhận lại 30 năm thu hút FDI, theo tôi, cái được nhiều hơn, còn nói cái mất là chưa chính xác, mà chúng ta cần tiếp tục cải thiện. Thu hút đầu tư nước ngoài khơi cho Việt Nam nguồn đầu tư trong nước. Đặc biệt, trong thời gian đầu, FDI đã giúp Việt Nam xóa bỏ hàng rào cấm vận, tiếp cận được với thế giới.
Và điểm rõ nét nhất của một nền kinh tế thị trường là khi nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã cùng với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân các thành phần kinh tế khác giúp cho Việt Nam hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới; đồng thời, giúp Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tiếp nhận được công nghệ cao, ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, hiện đại…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, tôi thấy chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện trong thu hút FDI, đó là tính lan tỏa của khu vực FDI chưa cao; mặc dù, chúng ta đã tiếp cận được với nền công nghệ cao và hiện đại nhưng việc chuyển giao công nghệ của khu vực FDI với khu vực trong nước chưa được như kỳ vọng. Đặc biệt, trong khu vực FDI hoạt động vẫn còn hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, công nghệ lạc hậu và một số doanh nghiệp vẫn để còn hiện tượng ô nhiễm môi trường…
Như ông vừa nói, khu vực FDI không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và có những đóng góp xã hội khác. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp lạc hậu nhưng sau khi có chính sách mở cửa và đổi mới, Việt Nam đã ban hành khung pháp luật về đầu tư, đó là Luật Đầu tư. Khi đó, Việt Nam đã đón nhận các nhà đầu tư và đến nay, đã có 334 tỷ USD với 26.500 dự án FDI, với vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Và đặc biệt, đầu tư nước ngoài đã giúp Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ một nền nông nghiệp lạc hậu sang một nền công nghiệp tiên tiến.
Đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp 58,2% trong ngành công nghiệp, chế biến chế tạo và tạo ra 50% giá trị công nghiệp của cả nước; đồng thời, tạo ra việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp, hơn 5 triệu việc làm gián tiếp.
FDI đã làm thay đổi nhiều vùng miền của cả nước. Ví dụ như: Đồng Nai và Bình Dương là những tỉnh nông nghiệp nghèo nhưng đến nay trở thành những tỉnh rất mạnh về công nghiệp và đóng góp của FDI là chủ yếu. Hai địa phương này là điển hình của cả nước, đặc biệt trong thu hút FDI.
Xin ông cho biết, sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì trong việc quản lý nguồn vốn này?
Tôi nghĩ rằng, bài học rút ra là cần thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút những dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại, ít tiêu hao năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, không ô nhiễm môi trường.
Tiếp đó là cần nâng cao năng lực thực thi của bộ máy nhà nước, làm sao từ luật pháp đến thực thi chính sách phải đi vào cuộc sống một cách thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận được với thị trường, triển khai các hoạt động kinh doanh một cách dễ dàng.
Việt Nam cũng cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn và công nghệ của nước ngoài. Theo đó, cần phải có những chính sách để làm sao khu vực đầu tư nước ngoài cùng khu vực đầu tư trong nước cộng hưởng với nhau, như vậy sẽ đóng góp tốt hơn cho kinh tế - xã hội.
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên 4.0, Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức là làm thế nào để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu về công nghệ thông tin. Vậy, theo ông Việt Nam cần phải làm gì để thu hút được dòng vốn vào khu vực này?
Để thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này, trước mắt, chúng ta cần rà soát lại hệ thống pháp luật để có những quy định đối với khu vực công nghệ cao, công nghệ 4.0 để doanh nghiệp cạnh tranh hơn nữa.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, để có thể nâng tầm được. Thực tế, đến nay, đã có một số doanh nghiệp như: FPT, Viettel... tuy nhiên số doanh nghiệp này không nhiều. Và các doanh nghiệp này cũng đã chủ động vươn ra thế giới và được thế giới công nhận, khẳng định.
Tuy nhiên, để lan tỏa hơn nữa, chúng ta đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và có chương trình khởi nghiệp cùng nhiều chính sách, nhiều chương trình khác nữa.. Tôi hy vọng, chương trình khởi nghiệp sẽ phát huy được hơn nữa và Việt Nam sẽ có đội hình khởi nghiệp lớn mạnh để cùng đồng hành tiếp cận cũng như phát triển nền công nghệ 4.0.
Theo đánh giá, việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong nước chưa được như kỳ vọng và nguyên nhân được cho là xuất phát từ thực tế khả năng tiếp nhận của doanh nghiệp trong nước. Theo ông giải pháp cho vấn đề này như thế nào?
Hiện nay Việt Nam là thành viên của WTO; trong WTO chúng ta đã có cam kết là không có quy định yêu cầu bắt buộc chuyển giao công nghệ. Cùng đó, luật pháp của Việt Nam quy định chuyển giao công nghệ là trên tinh thần khuyến khích. Thực tế, trên 80% doanh nghiệp FDI là 100% vốn đầu tư nước ngoài. Mà 100% vốn đầu tư nước ngoài thì sẽ rất khó có việc chuyển giao trong nội bộ. Do đó, chúng ta cần nhìn việc chuyển giao công nghệ theo góc nhìn rộng hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, việc chuyển giao công nghệ theo hình thức gián tiếp rất nhiều như: qua học hỏi, sao chép công nghệ, qua đặt hàng của các nhà đầu tư. Cuối cùng các doanh nghiệp Việt Nam đi mua công nghệ, thuê chuyên gia để làm sao làm ra các sản phẩm, các dịch vụ đáp ứng được tiêu chuẩn của các doanh nghiệp nước ngoài.
Trên cơ sở đó, doanh nghiệp Việt Nam có được công nghệ và làm ra các sản phẩm cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, cung cấp cho nhiều thị trường khác. Để có được công nghệ tốt hơn nữa, đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp trong nước, chúng ta cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Theo đó, để doanh nghiệp tiếp cận được với nền công nghệ của thế giới, chúng ta cần từ 3 phía: thứ nhất là sự chủ động của doanh nghiệp, thứ hai là sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực của Nhà nước; thứ 3 là từ đối tác. Nếu làm tốt 3 nguồn đó, tôi tin rằng, trong tương lai doanh nghiệp Việt Nam sẽ nâng tầm, và có thể tiếp cận được với nền công nghệ thế giới.
Qua 30 năm nhìn lại, định hướng trong thời gian tới, chúng ta cần khắc phục những bất cập gì trong chính sách để thu hút được FDI hiệu quả, bền vững hơn? Và có cần sửa đổi gì trong Luật Đầu tư nước ngoài?
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho Cục Đầu tư nước ngoài rà soát lại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau đó trình Chính phủ trong thời gian tới. Nội dung rà soát lại là khắc phục sự chồng chéo giữa Luật Đầu tư với các luật khác; gạt bỏ sửa đổi những quy định; xóa bỏ những điều kiện không cần thiết trong việc tiếp cận thị trường cũng như trong quá trình tiếp cận đầu tư kinh doanh.
Trên thực tế đã có nhiều bộ, ngành đã xóa bỏ những điều kiện này. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát những quy định, quy trình thủ tục nào rườm rà không cần thiết thì cắt bỏ; đồng thời, cần thực hiện công tác tiền kiểm sang hậu kiểm để giúp cho các nhà đầu tư tiếp cận được với thị trường một cách nhanh nhất.
Xin cảm ơn ông!