4 ngành công nghiệp chuyển dịch cơ cấu đúng hướng

Bốn ngành công nghiệp trọng yếu được thành phố tập trung đầu tư trong chính sách chuyển dịch cơ cấu công nghiệp bao gồm cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm.

TP Hồ Chí Minh đang chuyển dịch cơ cấu công nghiệp công nghệ cao. Ảnh: An Hiếu-TTXVN


Thành công bước đầu

Sau 5 năm thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các ngành này đã thu hút hơn 24.345 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 45,5% số doanh nghiệp sản xuất mới thành lập. Tính riêng năm 2014, ngành cơ khí chế tạo đã có bước phát triển nhanh, chiếm 17,5% giá trị toàn ngành công nghiệp, tăng trưởng hơn 16,6%. Ngành hóa chất - nhựa - cao su cũng được đầu tư phát triển theo hướng bảo vệ môi sinh, môi trường, chiếm tỷ trọng khoảng hơn 19%. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống cũng từng bước chuyển sang tinh chế, ứng dụng công nghệ mới để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, chiếm tỷ trọng khoảng 16,3% giá trị toàn ngành công nghiệp…

Về những kết quả cụ thể, lãnh đạo sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Với ngành cơ khí chế tạo, thành phố xác định là ngành chiếm khoảng 20% giá trị của toàn ngành công nghiệp thành phố, cao nhất trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Từ việc xác định mục tiêu này, trong khoảng 5 năm qua, nhiều công nghệ, trang thiết bị thế hệ mới như hệ thống thiết bị chế tạo, gia công cơ khí tự động CNC, NC... kết hợp với các phần mềm điều khiển, thiết kế, tính toán kết cấu (PLC, Simetic, SAP...) đã được các doanh nghiệp trong ngành cơ khí ứng dụng trong sản xuất, chế tạo máy. Hoặc trong lĩnh vực cơ khí khuôn mẫu, các công nghệ đúc mẫu chảy, đúc với công nghệ làm bằng nhựa Furan là các công nghệ tiên tiến cũng đã được đưa vào ứng dụng. Nhiều dây chuyền, hệ thống thiết bị, máy móc được điều khiển tự động bằng máy tính đã được các doanh nghiệp trong nước sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu, có khả năng cạnh tranh cao do chất lượng ổn định và giá thành chỉ khoảng 50 - 70%  so sản phẩm nhập khẩu cùng loại trong các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp xay xát, công nghiệp bào chế dược phẩm...

Đối với ngành điện tử - công nghệ thông tin (chiếm tỷ trọng khoảng 4%) cũng có tốc độ tăng trưởng khá. Trong những năm qua, thành phố đã thu hút được nhiều dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới như Intel, Nidec... đầu tư các dự án sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử... Ngoài ra, trên địa bàn còn thu hút nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm từ năng lượng Mặt Trời như sản xuất pin năng lượng Mặt Trời tại khu công nghệ cao, ứng dụng năng lượng mặt trời trong chế tạo thiết bị chiếu sáng, thiết bị gia dụng, sử dụng năng lượng Mặt Trời để thay năng lượng điện trong các “tòa nhà thông minh”...

Ngành hóa chất, cao su - nhựa cũng tạo được những kết quả tốt khi chiếm tỷ trọng gần 20% trong cơ cấu của toàn ngành công nghiệp thành phố. Nhiều sản phẩm săm lốp xe máy, ô tô sản xuất ở TP Hồ Chí Minh không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu. Các dây chuyền sản xuất hiện đại có độ tự động hóa cao được đầu tư để sản xuất các chất tẩy rửa dạng lỏng, các loại dầu gội đầu, kem dưỡng da, nước xả vải… có trình độ công nghệ, thiết bị được đánh giá tương đương với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia. Nhiều loại sản phẩm có tính năng mới như sơn chống thấm; sơn tàu biển, giàn khoan; sơn chịu nhiệt, ắc quy khô, bột giặt có chứa chất tẩy natri tripolyphôtphát, chất tẩy quang học, enzym,… đã được nghiên cứu và sản xuất thành công. Ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm của thành phố cũng đã tập trung đầu tư phát triển các công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm tinh chế, có chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn. Các thương hiệu Việt đã dần chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như thì trường xuất khẩu như Vinamilk, Kinh Đô, Phạm Nguyên, Hanco, Bia Sài gòn, Vocarimex, Tường An, Vissan, Ba Huân, Huỳnh Gia Huynh Đệ… là những dấu ấn cụ thể, minh chứng cho một chính sách chuyển dịch công nghiệp hiệu quả.

Theo TS Trần Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: Những năm gần đây những mặt hàng trọng yếu như công nghiệp chế tạo, hóa dược cao su, điện điện tử, chế biến lương thực thực phẩm… tăng trưởng cao hơn những ngành thông thường của thành phố. Điều này cho thấy, chính sách chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của thành phố đã tạo được những kết quả tốt và chuyển dịch đúng hướng.

Xác định sản phẩm công nghiệp đặc trưng

Theo ông Lê Văn Khoa - GĐ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, một trong những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới chính là đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng chuyển từ gia công sang sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nghĩa là, phải xây dựng những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến… Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan để điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp chuyên ngành trên địa bàn theo hướng chuyên môn hóa, hợp tác hóa. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao thành phố giai đoạn 2… nhằm thu hút những dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao vào thành phố. 

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội: 


Thành phố đã tập trung xây dựng khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu cơ khí chế tạo, Khu phần mềm Quang Trung... tạo được nền tảng sản xuất kỹ thuật cao. Thành phố cũng đã xây dựng nhiều định chế hỗ trợ cho phát triển, đặc biệt là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thành phố và các địa phương trong khu vực... Tổng kết vừa qua cũng cho thấy 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố đi đúng hướng, năng suất tổng hợp tăng khá hơn so với cả nước. Khó khăn nhất hiện nay của thành phố là thiếu công nghiệp hỗ trợ, vì thế thành phố cần hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực...


Chia sẻ thêm về chính sách chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của thành phố, TS Đinh Sơn Hùng, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, một trong những thành viên từng trực tiếp tham mưu, xây dựng các đề án về tái cấu trúc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, cho rằng: Trong chính sách chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, thành phố tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, chế biến lương thực, thực phẩm… và đã xây dựng những hạt nhân cho sự chuyển dịch như khu công nghệ cao, khu công viên phầm mềm Quang Trung, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn… Tuy nhiên, khi hỏi đến sản phẩm công nghiệp nào đặc trưng thì chúng ta không trả lời được. Tôi cho rằng, các nhà lãnh đạo cũng như những nhà hoạch định chính sách vẫn chưa xác định được thế mạnh của mình là gì và ưu tiên phát triển cái gì? Ví dụ trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu thì thành phố ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế biến tinh lương thực thực phẩm hay công nghệ thông tin, ngành nào là trọng yếu nhất, sản phẩm nào là thế mạnh? Chính vì không xác định được tiềm năng thế lực thành phố nên nguồn lực bị phân tán, ông Hùng nói.

Theo TS Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, ngoài những nỗ lực như hiện nay, thành phố cần tập trung vào những vấn đề như lựa chọn công nghệ trong quá trình tiếp thu chuyển giao đổi mới công nghệ; tránh tình trạng như lâu nay là chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều chính sách ưu đãi, nhưng DN chúng ta lại không được chuyển giao công nghệ gì. Các DN nước ngoài đầu tư sản xuất xong hết thời hạn thì công nghệ cũng đã rất lạc hậu, nên việc chuyển giao công nghệ cho DN trong nước không thực hiện được. Ngoài ra thành phố cũng nên đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đủ đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, sử dụng, điều khiển, kiểm soát, làm chủ được công nghệ… nhằm tăng năng suất, tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh và xây dựng được những sản phẩm mang thương hiệu thành phố.


Lê Hiền

Đẩy mạnh đầu tư “công nghiệp không khói”
Đẩy mạnh đầu tư “công nghiệp không khói”

Không chỉ đóng góp vào GDP của tỉnh, phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở các địa phương còn góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN