Được chính thức đưa vào khai thác từ đầu tháng 12/2014, Khu kỹ nghệ Việt - Nhật tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) đã mở ra một hướng đi hoàn toàn mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là khu được dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước hợp tác, phát triển trong lĩnh vực này.
Hướng đi mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của thế giới trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cũng như là địa phương có tỷ trọng phát triển công nghiệp lớn trong cơ cấu nền kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là thành phố công nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển tương xứng để đáp ứng nhu cầu nội địa hóa của các tập đoàn, công ty đầu tư nước ngoài cũng như kỳ vọng của lãnh đạo thành phố.
Trong số các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố Hồ Chí Minh thì có trên 50% các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành kỹ thuật cao như điện tử, cơ khí, ô tô… Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng chiếm gần 50%, nhưng các sản phẩm có giá trị gia tăng khá thấp và hầu hết chưa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), để phát triển công nghiệp hỗ trợ, thành phố cần xây dựng những khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành về lĩnh vực này, phù hợp với quy mô sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp trong cùng “chuỗi cung ứng”.
Từ yêu cầu trên, việc thành lập Dự án Khu kỹ nghệ Việt - Nhật là hướng đi hoàn toàn mới của thành phố nhằm thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng có diện tích 3 ha, diện tích cho thuê là 14.100 m2 gồm nhà xưởng, văn phòng và nhà kho với các mô-đun 250 m2, 500 m2, 1.000 m2 có thể lắp ghép dễ dàng.
Các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Nhật Bản hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ có trình độ kỹ thuật, công nghệ cao, nhưng hạn chế về vốn đầu tư, nên thường muốn thuê các nhà xưởng xây sẵn với đầy đủ tiện ích, có diện tích nhỏ khoảng 300 m2 đến 1.000 m2. Theo ông Vũ Vă n Hòa, Khu kỹ nghệ Việt - Nhật hoàn toàn đáp ứng đủ các yêu cầu trên và sẽ mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản. Qua đó, sẽ kiến tạo mạng lưới giao lưu kỹ thuật và kinh doanh giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam .
Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hướng đi mới này giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với doanh nghiệp nước ngoài, từng bước nội địa hóa các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua nghiên cứu bước đầu, một số doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản trong sản xuất các sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ.
Nhân rộng mô hình trong tương lai
Hiện đã có 8 doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký đầu tư vào Khu kỹ nghệ Việt - Nhật, trong đó có 2 doanh nghiệp đã được cấp phép. Theo kỳ vọng của Hepza, khi các công ty này đi vào hoạt động, sẽ tạo ra “phản ứng dây chuyền” để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty Sanko MFG Nhật Bản là đơn vị đầu tiên đầu tư tại Khu kỹ nghệ Việt - Nhật, chuyên sản xuất các sản phẩm phụ trợ dùng trong lĩnh vực ống nước, ống dầu. Đại diện lãnh đạo Sanko MFG cho biết: "Sanko đã nhìn thấy được chiến lược phát triển tại Việt Nam, trong đó có thể hợp tác với các nhà sản xuất tại đây. Hiện Nhà máy Sanko Việt Nam đã tìm được đối tác sản xuất một số sản phẩm hỗ trợ ngành cơ khí. Đây là tiền đề quan trọng để chúng tôi mở rộng đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trong tương lai".
Ngoài việc tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, thì việc các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Khu sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đồng thời các doanh nghiệp nội địa có thể cung ứng nguồn nguyên liệu sản xuất cho các đối tác. Dự kiến đi vào sản xuất từ cuối tháng 12/2014, hiện máy móc, nhân công phục vụ cho nhà máy Sanko Việt Nam đã được chuẩn bị sẵn sàng để vận hành.
Theo ông Nguyễn Thanh Trí, Quản lý nhà máy Sanko Việt Nam, hầu hết nguồn nguyên liệu đầu vào của nhà máy sẽ được lấy tại Việt Nam. Bên cạnh đó, để hoàn thiện các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, một số khâu sẽ phải thực hiện tại các công xưởng của doanh nghiệp Việt Nam và hướng đi sắp tới của nhà máy sẽ nâng cao tỉ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm này.
Dù là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng các sản phẩm của doanh nghiệp Nhật Bản có giá trị gia tăng cao, như linh kiện phụ trợ cho ngành điện tử, thông tin, y tế, sản xuất máy móc… Do đó, đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh. Để phát triển mô hình này, ngoài Khu công nghiệp Hiệp Phước, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã dành quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3.
Ông Tất Thành Cang cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rà soát lại các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ chế tài chính, đất đai, xúc tiến thương mại và đầu tư. Mục tiêu lâu dài là nhân rộng mô hình Khu kỹ nghệ Việt - Nhật để thu hút đầu tư nước ngoài, vừa phát triển công nghiệp chung của thành phố, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở nước ta còn phát triển chưa tương xứng, thì nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh, mà cụ thể đầu tư Khu kỹ nghệ Việt - Nhật, là tín hiệu lạc quan. Đây sẽ là hướng đi mới, mang tính bước ngoặt để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tiến Lực