Ấn Độ bị tác động mạnh mẽ trước sự phá giá của đồng NDT

Trong phiên mở cửa lúc 9 giờ 13 phút sáng 12/8, đồng rupee của Ấn Độ đã tụt xuống còn 64,56 rupee/1 USD, mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm qua và mất giá tới 0,67% so với phiên đóng cửa chiều 11/8.

Đồng rupee cùng các đồng tiền khác của châu Á bị mất giá mạnh sau khi Trung Quốc bắt đầu phá giá đồng nhân dân tệ từ ngày 11/8. Từ đầu năm đến nay, đồng rupee đã mất giá 2,47% so với đồng USD, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài mua vào 13,87 tỷ USD cổ phiếu và tín phiếu trên thị trường chứng khoán Ấn Độ.

Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) cho rằng xuất khẩu của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng và thâm hụt thương mại có thể gia tăng sau khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị phá giá. Ông S. C. Ralhan, Chủ tịch FIEO nói “Việc phá giá đồng nhân dân tệ không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Ấn Độ tới Trung Quốc, mà tới cả các nước khác, do phải đối chọi với sự cạnh tranh gia tăng của hàng hóa Trung Quốc. Điều này có thể khiến thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc, vốn đã lên tới 50 tỷ USD, sẽ tăng cao hơn nữa”.

Đồng rupee bị mất giá mạnh sau khi Trung Quốc phá giá đồng nội tệ.


Ông Ralhan cho rằng hành động này có thể dẫn tới một “cuộc chiến tiền tệ”, với nhiều đồng tiền khác như euro, đồng yen của Nhật Bản, real của Brazilian, lira của Thổ Nhĩ Kỳ… sẽ bị mất giá. Sự biến động lớn của các đồng tiền trên thế giới sẽ gây thiệt hại cho xuất khẩu của Ấn Độ.

Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, chiếm 13,7% tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu. Xuất khẩu nói chung của Ấn Độ tính đến tháng 6/2015 đã giảm 7 tháng liên tục. Cơ quan Xếp hạng và Nghiên cứu Ấn Độ cũng cho rằng việc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc cạnh tranh hơn. Nếu đồng tiền này bị phá giá mạnh hơn nữa có thể gây khó khăn cho Ấn Độ trong việc duy trì xuất khẩu ở mức 22 tỷ USD/tháng. Nhu cầu của Trung Quốc về hàng hóa Ấn Độ có thể giảm mạnh hơn do nhu cầu nói chung tại nền kinh tế này giảm.


Theo đánh giá của báo “The Economic Times”, động thái phá giá đồng nhân dân tệ có thể giúp các công ty Trung Quốc sản xuất hàng hóa rẻ hơn trong các thị trường toàn cầu. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói họ hành động như vậy vì giá trị đồng nhân dân tệ đang tăng lên cho dù các lực lượng thì trường cho rằng đồng tiền này phải giảm xuống. Đồng nhân dân tệ bị định giá quá cao đã ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu Trung Quốc bởi sản phẩm của họ trở nên đắt hơn ở thị trường nước ngoài. Trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc dự kiến chưa đến 7% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1990 và có thể giảm hơn nữa vào năm tới; trong khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bị “rơi tự do” kể từ tháng 6/2015.

Hành động phá giá đồng nhân dân tệ được cho là nỗ lực nhằm cứu nền kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, Sung Won Sohn, một chuyên gia kinh tế tại trường đại học Channel Islands, thuộc bang California của Mỹ nhận định “Hành động này không thể giải quyết một số vấn đề gay cấn mà Trung Quốc đang đối mặt”. Theo ông, công suất sản xuất tại Trung Quốc quá mức, đặc biệt trong một số ngành công nghiệp cơ bản như thép và nhôm, trong khi tình trạng bong bóng bất động sản vẫn còn. Các ngân hàng Trung Quốc vẫn chồng chất vấn đề nợ nần, “cơn bão” trên thị trường chứng khoán chưa tan.

Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)
Trung Quốc chính thức khởi động chiến tranh tiền tệ?
Trung Quốc chính thức khởi động chiến tranh tiền tệ?

Công cụ tỉ giá của Trung Quốc không hẳn luôn nhằm mục tiêu hỗ trợ các nhà xuất khẩu. Động thái mới nhất của Bắc Kinh ẩn chứa nhiều mục tiêu chính sách khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN