Đặc biệt, từ khi thị trường Indonesia, Trung Quốc mở cửa trở lại đã thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản, nhất là mặt hàng gạo. Đây là cơ hội để xuất khẩu gạo An Giang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và bứt phá, chiếm lĩnh thị trường. Thực hiện Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, An Giang đang tranh thủ cơ hội để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo; trong đó, tập trung củng cố duy trì ổn định thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, nhất là một số địa bàn giàu tiềm năng như: EU, Hàn Quốc, Mỹ, khu vực Bắc Mỹ…
Tăng trưởng ấn tượng
Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, do nhu cầu thị trường quốc tế tăng cao, xuất khẩu những tháng đầu năm tăng về lượng và giá trị. Kim ngạch và thị trường tiếp tục tăng trưởng, duy trì ổn định qua 39 nước. Ước sản lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm đạt trên 290 nghìn tấn, tương đương 159 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 8,22 % về sản lượng và tăng 9,52% về kim ngạch.
Giá gạo khởi sắc ngay từ đầu tháng 6/2023 đến nay, nhờ nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tăng trở lại, đặc biệt ở thị trường lớn là châu Á và châu Phi. Ước giá xuất khẩu gạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 đạt 539,33 USD/tấn, tăng 8,93 USD/tấn so cùng kỳ .
Theo Sở Công Thương, điểm sáng xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang là Công ty cổ phẩn Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng đến 400 ngàn tấn gạo xuất sang thị trường EU trong năm 2023.
Đặc biệt, thị trường Indonesia, Trung Quốc sau khi mở cửa nền kinh tế, hiện đang có nhu cầu mua gạo từ An Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rất cao. Bên cạnh đó, gạo An Giang và những tỉnh trong vùng hiện còn xuất khẩu mạnh sang Philippines, Malaysia, Australia… và một số thị trường như Nga, Bangladesh...
Ông Nguyễn Minh Hùng cho rằng, hiện nhiều quốc gia đang đẩy mạnh nhập khẩu để bổ sung vào kho gạo của mình. Những thị trường "khó tính" như châu Âu, Hàn Quốc… và một số thị trường mới mở ở khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao cho Việt Nam khi được người tiêu dùng ưa chuộng.
“An Giang đang đứng trước cơ hội rất lớn trong xuất khẩu gạo. Trong ngắn hạn, giá mặt hàng gạo vẫn tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Triển vọng xuất khẩu gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của biến đổi khí hậu. Điều này thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế” - ông Hùng chia sẻ.
Nhận định về thị trường gạo thế giới giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng, cơ hội rất lớn nhưng chưa tận dụng được nhiều. Doanh nghiệp đang thiếu thông tin hoặc tiếp cận chậm nên gặp khó trong việc chuẩn bị nguồn cung xuất khẩu. Cùng đó, quy trình sản xuất lúa gạo ở Việt Nam hiện đã rất tốt nhưng yếu về truy xuất nguồn gốc nên giá gạo xuất khẩu chưa cao.
Hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vụ Hè Thu năm 2023, toàn tỉnh xuống giống 228.900 ha; trong đó, có 14 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ cho các hợp tác xã và nông dân với diện tích trên 145.000 ha, chiếm hơn 63% diện tích xuống giống. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch 26.275 ha, đạt 11,48% diện tích xuống giống, ước năng suất bình quân đạt 5,84 tấn/ha.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm thì vụ Hè Thu và Thu Đông 2023, cần đảm bảo sản xuất theo kế hoạch và nhân rộng mô hình liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng; trong đó, vận động nông dân trồng giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu như Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM18, Jasmine...
Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh, GRDP cả năm 2023 của An Giang sẽ tăng từ 7-7,5%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng từ 3,2 - 3,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,75-12,1%; thương mại - dịch vụ tăng từ 8,6-9,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng từ 4,35-5,10%.
Muốn đạt được kịch bản tăng trưởng cả năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, An Giang sẽ tranh thủ cơ hội để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo; trong đó, tập trung củng cố duy trì ổn định thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, nhất là một số địa bàn giàu tiềm năng như: EU, Hàn Quốc, Mỹ, khu vực Bắc Mỹ…
Ngoài ra, An Giang tập trung tiếp cận thị trường các quốc gia Hồi giáo với những sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn Halal mà tỉnh có thế mạnh; đảm bảo chất lượng nguồn cung xuất khẩu; thường xuyên cập nhật thỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông về thị trường, hiệp định thương mại tự do; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh tham gia cổng thông tin trực tuyến của Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2030” và kênh thông tin trên nền tảng số khác của Bộ Công Thương.
Từ đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các tập đoàn phân phối nước ngoài; khai thác hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới để củng cố xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới trong kỷ nguyên 4.0; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.
Cùng đó, tỉnh tập trung đảm bảo chất lượng nguồn cung xuất khẩu; hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, thương nhân của tỉnh tham gia các chương xúc tiến thương mại quốc gia, kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường tiêu thụ… do Bộ Công Thương, các bộ, ngành trung ương chủ trì, phối hợp với đơn vị nước ngoài tổ chức.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật quy định hiện hành; theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình chính sách biên mậu, trao đổi thông tin tình hình hoạt động thông quan hàng hóa tại các Chi cục Hải quan từng cửa khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thông quan nhanh, không để hiện tượng ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.
Cùng với việc tiếp tục triển khai Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023, tỉnh chủ động nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng như thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.