Phát biểu với các phóng viên khi đang trên đường trở về nước sau chuyến công du 3 nước Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố việc áp đặt lại trừng phạt là một trụ cột quan trọng trong chính sách với Iran.
Ông cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẵn sàng bỏ qua vấn đề trừng phạt, nhưng điều này đòi hỏi sự thay đổi lớn từ phía Tehran. Ông Pompeo tuyên bố: "Chúng tôi hy vọng có thể tìm ra cách thức để thúc đẩy vấn đề nhưng điều này đòi hỏi sự thay đổi lớn từ phía chính quyền Iran".
Năm 2015, Iran và nhóm các cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) đã ký thỏa thuận lịch sử có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo thỏa thuận hạt nhân này, các biện pháp trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này dần được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran bảo đảm tính chất hòa bình của các hoạt động hạt nhân.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời tuyên bố sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống Tehran.
Theo dự kiến, nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên từng được nới lỏng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama sẽ được áp đặt trở lại vào đầu tuần này. Gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào ngành dầu mỏ và ngân hàng trung ương Iran sẽ được áp đặt trở lại vào đầu tháng 11 tới.
Hồi tuần trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng việc ông Trump không thừa nhận thỏa thuận hạt nhân Iran là bất hợp pháp và Iran sẽ không lùi bước trước kế hoạch của Mỹ nhằm bóp nghẹt ngành xuất khẩu dầu mỏ mang tính sống còn của nước này.
Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA vẫn đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận lịch sử này, coi đây là một biện pháp cốt yếu nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. Đầu tháng 6, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã ra lệnh cho Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) khởi động các bước chuẩn bị để tăng cường năng lực làm giàu urani nếu những nước châu Âu thất bại trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận.