Hiệu ứng “bát mỳ spaghetti”Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được thành lập ngày 6/11/1989 tại thủ đô Canberra (Australia) với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương. Để thực hiện mục tiêu đó, trong 28 năm qua, APEC đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp; trong đó có tự do hóa thương mại và đầu tư, đồng thời đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực này.
Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23 được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Một trong những ví dụ điển hình minh chứng cho những tiến bộ như vậy là việc mức thuế MFN trung bình trong khu vực đã giảm gần một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% năm 2014. Tỷ trọng các dòng sản phẩm được hưởng mức thuế suất 0% ở APEC tăng từ 27,3% năm 1996 lên 45,4% vào năm 2014.
Tuy nhiên, theo báo cáo sơ kết giai đoạn 2 về tiến bộ của APEC hướng tới các Mục tiêu Bogor của Nhóm hỗ trợ chính sách APEC (PSU), đến cuối năm 2015, các nền kinh tế APEC đã tham gia 152 hiệp định thương mại tự do (FTA)/hiệp định thương mại khu vực (RTA); trong đó có 61 FTA/RTA được ký kết giữa các nền kinh tế thành viên APEC. Sự nở rộ của các FTA/RTA một mặt tạo động lực cho tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, nhưng mặt khác đang gây ra hiệu ứng "bát mỳ spaghetti", cản trở tiến trình hội nhập kinh tế khu vực.
Chính vì vậy, theo giới phân tích, tiến trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bước vào giai đoạn then chốt. Thực tế đòi hỏi cần phải có một hiệp định thương mại tự do mang tầm khu vực, có tính toàn diện và chất lượng cao để xóa bỏ rào cản đó, đồng thời giải quyết các vấn đề thương mại và đầu tư “thế hệ mới”.
Và những bước chạy đàXuất phát từ đòi hỏi của thực tế, năm 2006, các nền kinh tế APEC đã nhất trí xem xét triển vọng dài hạn của FTAAP. Năm 2010, tại Hội nghị Cấp cao ở Yokohama (Nhật Bản), các nhà lãnh đạo APEC đã ra tuyên bố "Đường tới FTAAP”; trong đó chỉ ra các bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa FTAAP. Tuyên bố có đoạn: "Trên cơ sở những kết quả đạt được, chúng tôi nhất trí rằng bây giờ chính là thời điểm để APEC chuyển FTAAP từ khát vọng thành tầm nhìn cụ thể hơn”.
Bốn năm sau đó, các nhà lãnh đạo APEC đã tiếp tục thông qua Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC cho việc hiện thực hóa FTAAP nhằm biến ý tưởng về FTAAP thành hiện thực. Lộ trình này là cơ sở để thực hiện công trình Nghiên cứu chiến lược tập thể về các vấn đề liên quan tới việc hiện thực hóa FTAAP. Nghiên cứu này phân tích những lợi ích và chi phí kinh tế-xã hội của FTAAP cũng như các con đường hình thành FTAAP, chỉ ra những thách thức mà các nền kinh tế APEC có thể sẽ phải đối mặt trong quá trình hiện thực hóa FTAAP.
Gần đây nhất, tại Hội nghị Cấp cao ở Lima (Peru) vào tháng 11/2016, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua công trình nghiên cứu này. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo APEC cũng ra Tuyên bố Lima về FTAAP; trong đó thừa nhận các FTA/RTA giúp thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực trong bối cảnh các nền kinh tế APEC có trình độ phát triển khác nhau, nhưng các FTA/RTA, với những mức độ tự do hóa và nội hàm khác nhau, có thể tạo ra những thách thức cho quá trình hội nhập khu vực.
Vì vậy, các nhà lãnh đạo APEC tái khẳng định cam kết FTAAP cần được xây dựng trên cơ sở các thỏa thuận hiện nay trong khu vực và thông qua các thỏa thuận có thể sẽ hình thành trong tương lai gồm các hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trong Tuyên bố Lima, các nhà lãnh đạo APEC cũng nhất trí rằng FTAAP không chỉ bó hẹp ở việc tự do hóa thương mại và đầu tư mà phải là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và có sự kết hợp chặt chẽ, giải quyết các vấn đề về thương mại và đầu tư “thế hệ mới”.
Kế thừa những tiến bộ mà APEC đã đạt được trong quá trình hiện thực hóa FTAAP, năm 2017, trong lần thứ 2 đảm nhận chủ nhà của APEC, Việt Nam đã đưa ra đề xuất về bốn ưu tiên hợp tác trong APEC; trong đó có việc “đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng”.
Theo Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đề xuất của Việt Nam về chủ đề và các ưu tiên hợp tác trong Năm APEC 2017 đã được các thành viên nhất trí cao.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết cùng với các thành viên, Việt Nam đã tiến hành rà soát tình hình đàm phán và thực hiện các RTA/FTA, việc thực hiện Tuyên bố Lima về FTAAP cũng như những biện pháp thúc đẩy hợp tác APEC trong chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối chuỗi cung ứng, hài hòa hóa các quy định…
Với các nỗ lực tập thể của các nền kinh tế thành viên APEC; trong đó có Việt Nam, nhiều người hy vọng FTAAP sẽ sớm trở thành hiện thực trong tương lai gần.