Giống với các quốc gia láng giềng, kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn sau nhiều tháng chống chọi với đại dịch. Song, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ những phản ứng về chính sách hiệu quả đối với sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm chứng kiến những tín hiệu tích cực sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát - một điều khó xảy ra tại không ít quốc gia đang hứng chịu sự hoành hành của dịch COVID-19.
Theo số liệu thống kê, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong quý II/2020 tăng trưởng 0,36%. Mặc dù đây là con số thấp nhất trong 35 năm, nhưng vẫn cao hơn nhiều nước láng giềng đã ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý II/2020. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,8% trong năm 2020 và phục hồi lên 6,7% trong năm 2021. Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong số các nền kinh tế châu Á trong năm nay.
Các chuyên gia nhận định nhờ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, Việt Nam đang dần trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài. Theo một nghiên cứu của Deep Knowledge Group (Hong Kong), Việt Nam là địa điểm an toàn thứ chín trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính cho 15 công ty chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, mở đường cho làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản. Đáng chú ý, theo một báo cáo của Goldman Sachs, nhiều công ty Mỹ cho biết Việt Nam và Ấn Độ là những điểm đến được đề cập nhiều nhất trong kế hoạch dịch chuyển cơ sở sản xuất.
Bài viết trên khẳng định trong khi nhiều quốc gia đang suy thoái kinh tế do dịch bệnh, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục có những bước đi vững chắc hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 8/6, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đồng thời, Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với hy vọng sẽ ký kết RCEP trước năm 2021. Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu được nhiều lợi ích từ các FTA.
Cụ thể, EVFTA giảm thuế đối với các mặt hàng thủy sản, dệt may và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa kinh tế của Việt Nam, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bài viết trên dự báo Việt Nam là ngôi sao đang lên trong nền kinh tế khu vực nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, mở đường cho Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.