Theo dự báo, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm của Việt Nam có thể đạt 2,8-2,9%.
GDP quý vừa qua của Việt Nam đã tăng trở lại lên mức 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng đáng kể so với mức 0,4% trong quý trước, nhưng thấp hơn so với kỳ vọng là 2,7% của các nhà kinh tế khu vực tư nhân. Theo trưởng nhóm nghiên cứu của Ngân hàng UOB, ông Suan Teck Kin, điều này cho thấy tốc độ phục hồi vẫn còn yếu sau sự gián đoạn do tái bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 7. Đến nay, các cơ quan chức năng Việt Nam đã kiểm soát được tình hình và các hoạt động kinh doanh đã trở lại, tuy nhiên ở dưới mức “bình thường”.
Các chuyên gia kinh tế Linda Liu và Chua Hak Bin của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng lưu ý rằng Việt Nam đã thoát khỏi suy thoái trong bối cảnh đại dịch, nhưng đà phục hồi đã bị suy giảm do xuất hiện đợt dịch thứ hai. Ông Suan Teck Kin nhận định dù tác động tồi tệ nhất của đại dịch có vẻ đã qua, giống như đối với các nước châu Á khác, nhưng vẫn còn "một chặng đường dài" trước khi nền kinh tế Việt Nam có thể trở lại nhịp độ đầy đủ như trước đây.
Cho đến nay, dữ liệu cho thấy một “sự phục hồi yếu" đối với khu vực công nghiệp và dịch vụ, vốn chiếm hơn 70% nền kinh tế Việt Nam. Lĩnh vực dịch vụ, vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch trong nước, đã bị ảnh hưởng do các đường biên giới trên toàn thế giới đóng cửa và có thể tiếp tục ảm đạm một thời gian nữa.
Ông Suan Teck Kim hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự hồi phục hơn nữa trong quý IV/2020, nhưng với tốc độ hạn chế do đại dịch đang diễn ra. Ông cho rằng Việt Nam có thể sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 4% trong quý IV, và tăng trưởng cả năm 2020 ở mức 2,8%.
Trong khi đó, các nhà kinh tế của Maybank Kim Eng hạ dự báo tăng trưởng GDP quý IV của Việt Nam từ mức 6% trước đây xuống còn 4,5%, và mức tăng trưởng GDP cả năm từ 3,6% xuống còn 2,9% do "đà phục hồi dường như đang yếu đi".
Các chuyên gia này cho rằng lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sẽ tiếp tục dẫn đầu sự phục hồi, trong khi các ngành dịch vụ sẽ giảm do nhu cầu thấp hơn và thiếu sự phục hồi du lịch thực sự. Tuy nhiên, các chuyên gia của Maybank Kim Eng kết luận sự hồi phục cao hơn mong đợi trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, tăng từ 3,6% trong tháng 8 lên 4,9% trong tháng 9, cho thấy rằng các dịch vụ không liên quan đến du lịch đang bắt đầu bắt kịp xu hướng hồi phục.