Bà Rịa-Vũng Tàu: Phát triển cảng biển lợi thế và thách thức

Có một vị trí đắc địa ven biển và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu xứng đáng trở thành trung tâm cảng biển của cả nước. Kinh tế phát triển theo hướng hội nhập đang đòi hỏi ngành kinh tế cảng biển tỉnh phải chuyển mình mạnh mẽ.

Tiềm năng lớn

Nhiều năm qua, với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế khác, Bà Rịa - Vũng Tàu đã là trung tâm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực cảng biển. Tốc độ phát triển các cảng diễn ra khá nhanh, nhiều cảng nước sâu đi vào hoạt động, thu hút nhiều hãng tàu nổi tiếng trên thế giới vào làm hàng tại đây.

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đang được quy hoạch thành trung tâm vận chuyển quốc tế.

Trong ba năm (2007-2010), “mở cửa” với kinh tế biển đã cho thấy hướng đi trên là phù hợp với xu thế, bức tranh về kinh tế cảng biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành rõ nét với các tập đoàn đầu tư và khai thác cảng biển lớn của thế giới như Hutchison Port Holding (HongKong – Trung Quốc), PSA (Singapore), SSA (Mỹ)… vào đầu tư.

Hiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu có đến 3 cảng nước sâu đi vào hoạt động, có thể đón tàu từ 50.000 – 110.000 tấn. Việc đưa vào khai thác cảng container SP- PSA và Tân Cảng - Cái Mép thời gian vừa qua có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vai trò và vị trí cảng biển nước sâu của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đây mở ra hướng đi mới cho ngành cảng biển của Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập.

Hệ thống cảng nước sâu đi vào hoạt động làm cho vị thế cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của Bà Rịa – Vũng Tàu được nâng lên. Dòng vốn đầu tư phát triển cảng chảy mạnh, đưa Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục đứng trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư. Nhiều dự án sản xuất công nghiệp cũng được tăng tốc đầu tư vào tỉnh để tận dụng lợi thế cảng, đồng thời tạo chân hàng cho các cảng.

Yếu kết nối hạ tầng

Những tàu lớn cập cảng cùng với việc Công ty APL mở tuyến container đầu tiên trực tiếp giữa Mỹ và Việt Nam đã mở ra một trang mới cho ngành vận tải biển Việt Nam: Hàng hóa từ Việt Nam có thể được vận chuyển trực tiếp đến các nước châu Âu, Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng trung gian ở Xinhgapo, Hồng Công, Hàn Quốc, Thái Lan. Nhờ đó, thời gian vận chuyển nhanh hơn và không tốn chi phí trung chuyển, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thế nhưng khó khăn lớn nhất để phát triển cảng biển là hạ tầng giao thông yếu kém.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 21 cảng đang hoạt động, trong năm 2010 sản lượng hàng hóa thông quan qua hệ thống cảng biển của tỉnh đạt khoảng 45 triệu tấn. Với vị trí ưu việt là hệ thống cảng nước sâu phát triển thành cảng cửa ngõ quốc tế loại 1A, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi rất gần với tuyến hàng hải quốc tế. Tuy hệ thống cảng biển phát triển mạnh nhưng hạ tầng giao thông phục vụ sau cảng lại chỉ được xây dựng một cách ì ạch.

Quốc lộ 51 tuyến đường duy nhất để vận chuyển hàng hóa, giao thương về Bà Rịa-Vũng Tàu đang tơi tả và bị xé vụn bởi nó đang được đầu tư nâng cấp mở rộng. Ngoài ra không còn tuyến đường nào để “mở cửa” thông thương với các tỉnh khác.

Ông Nguyễn Tuấn Minh - Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu:
 
Kinh tế cảng biển sẽ thay thế dầu khí


Lợi thế với hệ thống luồng nằm trong khu vực chân hàng, cho phép trực tiếp đưa hàng từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến các cảng của châu Âu, Bắc Mỹ mà không cần qua trung chuyển ở các nước khác. Vùng đất Tân Thành và Vũng Tàu sau này sẽ là hai địa bàn nhộn nhịp, sầm uất do quan hệ giao thương các cảng quốc tế tạo ra. Các hoạt động giao thương này sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình giao lưu, làm tăng tốc quá trình hội nhập.

Với góc độ lợi ích toàn vùng, gần 20 km cảng biển, công suất có thể đạt hơn 120 triệu tấn hàng hóa thông qua mỗi năm, nếu tính giá trị tại thời điểm này, thì mỗi năm tỉnh có thể thu về trên dưới 60 ngàn tỷ đồng. Và trong 5-10 năm tới kinh tế cảng biển của Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thay thế dầu khí của những năm trước đây.

Dù có rất nhiều dự án gồm đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Vũng Tàu cũng chỉ mới được khởi động, đường sắt TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu chưa triển khai.

Tuyến đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, công trình hạ tầng ngoài hàng rào, nối liền hệ thống cảng và sáu khu công nghiệp chạy dọc sông Cái Mép – Thị Vải có chiều dài khoảng 21km và nhóm cảng biển số 5 cũng mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Tương tự là tuyến đường 965 dài 8,5km, nối khu vực Cái Mép với quốc lộ 51 bằng nguồn vốn ODA, có tổng mức đầu tư khoảng 1.031 tỉ đồng, được khởi công từ cuối năm 2008, sau đó nằm im.

Theo nhận định của một doanh nghiệp cảng Phú Mỹ, không có đường thì các nhà đầu tư không thể đưa máy móc, thiết bị, vật tư vào xây dựng cảng; việc trung chuyển hàng hóa gần như tê liệt một khi quốc lộ 51 gặp sự cố.


Với mục tiêu phát triển chủ yếu dựa vào kinh tế biển, trở thành tỉnh công nghiệp và cảng biển hiện đại, chiến lược phát triển của Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng đến việc đưa cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải trở thành nơi trung chuyển hàng hóa quốc tế, chứ không chỉ để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Minh khẳng định: “Phát triển cảng biển là nhiệm vụ trọng tâm của Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm tới.

Ông Minh chia sẻ, chuyến khảo sát hệ thống cảng biển trên sông Thị Vải tháng 8/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo tỉnh phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội đầu tư để phát huy lợi thế đó, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để hình thành và phát huy hiệu quả của một trung tâm cảng biển quốc tế, cần có thời gian và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và các địa phương trong vùng.

Đăng Giới - Sĩ Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN