Theo Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, Dự án cầu Phước An có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông khu vực và liên vùng. Việc đầu tư xây dựng cầu Phước An là hạng mục quan trọng kết nối hệ thống đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải với các đường cao tốc liên vùng phía Nam, đường cao tốc Bắc Nam; phát triển, khai thác hiệu quả hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải, khu Trung tâm dịch vụ logistic Cái Mép hạ, các khu công nghiệp hai bên tuyến cùng nhiều dự án khác trong khu vực.
Cầu Phước An sẽ kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; giúp việc vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được nhanh chóng. Điều này cũng góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung; giải tỏa ùn tắc giao thông, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 51 đang quá tải.
Do xác định tầm quan trọng của Dự án nên từ năm 2009, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, trong đó chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1, Dự án thực hiện đường liên cảng dài khoảng 19,65 km với điểm đầu là cảng container Cái Mép hạ, điểm cuối là phường Mỹ Xuân (thị xã Phú Mỹ). Giai đoạn 2, Dự án đầu tư cầu Phước An vượt sông Thị Vải, nối phường Mỹ Xuân với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Hiện tại giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Giai đoạn 2 chưa được triển khai do khó khăn về nguồn vốn đầu tư.
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu rõ: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Phước An do Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải lập và trình phê duyệt cơ bản phù hợp với quy định quản lý đầu tư công. Nội dung báo cáo, các tài liệu liên quan được trình thẩm định, phê duyệt này trên cơ sở kế thừa báo cáo dự án cũ đã được UBND tỉnh và HĐND tỉnh thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ phê duyệt dự án trước đây. Hội đồng thẩm định cấp tỉnh đã tổ chức xem xét, có ý kiến về Dự án; báo cáo đã được chủ đầu tư tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa.
Cầu Phước An có chiều dài toàn tuyến hơn 4,3 km. Trong đó, Dự án sẽ đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục: phần cầu dài khoảng 3,5 km, đường dẫn trên tuyến 248 m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An (Đồng Nai) dài hơn 600 m, hoàn chỉnh phạm vi nút giao với đường vào cảng Phước An. Điểm đầu tuyến giao với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, điểm cuối tuyến giao với đường vào cảng Phước An. Độ tĩnh không thông thuyền đã được Cục Hàng hải Việt Nam thỏa thuận năm 2018, cho tàu có tải trọng 30.000 DWT và 5.000 DWT có thể lưu thông về hướng thượng lưu, hạ lưu sông Thị Vải. Diện tích đất của công trình cầu khoảng 15, ha; trong đó, diện tích đất thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là hơn 6,2 ha, còn lại thuộc tỉnh Đồng Nai.
Tổng mức đầu tư dự án Cầu Phước An là 4.879 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chi 2.789 tỷ đồng, ngân sách tỉnh sẽ bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện. Tỉnh đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư công giai đoạn 2021-2025 hơn 2.000 tỷ đồng để hoàn thành Dự án. Thời gian thực hiện dự án là 6 năm kể từ khi có quyết định phê duyệt.