Bài toán giảm lương và giữ chân người giỏi

Theo các chuyên gia, thời điểm khó khăn hiện nay vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc kĩ giữa các phương án giảm lương hay giảm nhân sự.


Thanh lọc để giữ người giỏi


Trong một hội thảo về tái cấu trúc doanh nghiệp (DN) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức gần đây, ông Kalidas Ghose, Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cho rằng, tái cấu trúc DN không phải vấn đề mới, các DN đã thực hiện hoạt động này từ lâu. Trong quá trình tái cấu trúc, vấn đề quản trị nhân lực được đặc biệt quan tâm vì nhân lực là yếu tố quan trọng liên quan đến sự ổn định của DN, giúp DN trụ vững trong giai đoạn khó khăn.


Kinh tế khó khăn buộc các doanh nghiệp phải cơ cấu lại nguồn nhân lực.
Hồ Cầu - TTXVN


TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, trong thời gian tới, các chi phí đầu vào của DN như giá điện, xăng dầu, tiền lương sẽ điều chỉnh tăng theo lộ trình. Để nền kinh tế Việt Nam phát triển thì vấn đề tái cấu trúc là rất quan trọng và bản thân mỗi DN phải tái cơ cấu vươn lên và trụ vững trong thời buổi kinh tế hiện nay.


Có thể nói nguồn nhân lực với chất lượng chưa cao, chưa đạt chuẩn quốc tế là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới. “Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm thích hợp để các DN tái cơ cấu nguồn nhân lực, đào tạo và tìm ra những nhân tố mới, ‘xốc lại’ các hoạt động của DN để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Những doanh nghiệp biết quản trị nguồn nhân lực gắn liền với tái cơ cấu sẽ tìm kiếm được nhiều thành công hơn khi nền kinh tế đi vào ổn định”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2013, cả nước có 34.259 DN giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,2% so với cùng kì năm ngoái.


Tại thời điểm khó khăn này, DN nên tạo điều kiện cho nguồn nhân lực phát huy hết năng lực. Bên cạnh việc đào tạo lại nguồn nhân lực, DN có thể cắt giảm những nhân sự không còn phù hợp hoặc làm việc thiếu hiệu quả để giảm bớt gánh nặng chi phí cho DN, đồng thời tìm kiếm nhân sự chất lượng cao. Tuy nhiên, việc cắt giảm nhân sự cũng có thể gây nên những ảnh hưởng tâm lí như chán nản, hoang mang cho người ở lại. Bởi vậy, việc tái cấu trúc cần phải được thực hiện một cách khéo léo, “hợp lý hợp tình”.


Cân nhắc khi cắt giảm lương


Theo ông Nguyễn Xuân Dương, TGĐ Tổng Công ty May Hưng Yên, đơn vị sở hữu 10 công ty thành viên với 11.000 lao động, quan tâm và đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người lao động là chìa khóa để DN phát triển bền vững. “Tiền lương là một yếu tố quyết định đến vấn đề quản trị nguồn nhân lực. Vấn đề đầu tiên người lao động quan tâm là được trả lương bao nhiêu. Với giá cả sinh hoạt hiện nay, để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, tiền lương của họ phải đạt từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Việt Nam đang trả mức bình quân khoảng 220 USD/tháng, cao hơn các nước trong ASEAN nhưng thấp hơn Trung Quốc”, ông Dương nói.


Nếu lương quá thấp thì lao động sẽ bỏ việc, “nhảy” việc, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của DN bởi để có được một lao động dệt may lành nghề thì phải cần thời gian đào tạo hàng năm. Việc tuyển lao động mới sẽ khiến cho DN phải đào tạo lại lao động, năng suất lao động của cả DN cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Dương có những xí nghiệp may do TCT may Hưng Yên quản lý dù bị lỗ vẫn không cắt giảm lương để giữ chân người lao động.


Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh Đặng Đức Thành cho biết, nguyên tắc cần phải bảo đảm khi tái cơ cấu nhân lực là việc trả lương cho cán bộ chủ chốt gắn kết với hiệu quả kinh doanh, thậm chí phải tăng lương nếu nhân lực đó có hiệu quả công việc tốt.


Do đó, trong giai đoạn hiện nay, dù phải đối diện với hàng loạt vấn đề như phá sản, giải thể, thiếu vốn, tồn kho… buộc DN phải đưa ra phương án cắt giảm lương thì DN vẫn phải đảm bảo quan tâm đến việc giữ chân người lao động. Theo ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, tái cấu trúc lao động phải đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng lao động và năng suất lao động. Đồng thời, vẫn phải bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập của người lao động. Đối với những lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động thì DN phải có trách nhiệm với họ trong việc hỗ trợ học nghề, hỗ trợ nghỉ hưu và nghỉ hưu trước tuổi, hỗ trợ thôi việc để tìm việc làm mới.



Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN