Các năm gần đây, sau Tết thời tiết lạnh, nhiều loại rau quả không phát triển được, kèm theo nhu cầu tăng mạnh khiến giá rau luôn tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Tuy nhiên, năm nay thời tiết ấm, thuận lợi cho các loại rau, củ phát triển nên nguồn cung dồi dào, giá không tăng. Chỉ một số loại rau phục vụ nhu cầu ăn lẩu tăng nhẹ.
Chị Phạm Hoa, một người tiêu dùng tại chợ Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, mọi năm giá rau đầu năm thường tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường vì sau Tết nhu cầu rau, củ tăng mạnh. Tuy nhiên, năm nay chúng tôi rất bất ngờ vì giá rau không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ.
Giá nhiều mặt hàng rau, củ không tăng so với trước Tết Đinh Dậu. |
Xác nhận điều này, bà Nguyễn Hương, một người buôn bán rau ở chợ Trại Găng (Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, giá nhiều loại rau không tăng như mọi năm, ngang bằng với mức giá trước Tết Đinh Dậu.
“Ví dụ: cà chua 10.000 - 12.000 đồng/kg, cải xanh 4.000 - 5.000 đồng/mớ, cải cúc 4.000 - 5.000 đồng/mớ, bắp cải 8.000 -10.000 đồng/kg, cải thảo 10.000 đồng/kg… bằng với giá ngày thường. Riêng rau muống tăng giá gấp rưỡi so với bình thường, từ 10.000 đồng/mớ lên 15.000 đồng/mớ. Nguyên nhân là do nhu cầu tăng mạnh, người dân mua về để ăn lẩu. Tuy nhiên, mức tăng này so với năm ngoái chưa ‘thấm tháp’ gì. Vì thời điểm sau Tết năm ngoái, rau muống không phát triển được, cọng ngắn nhưng giá lên tới 30.000 đồng/mớ”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, vì thời tiết ấm, lại ẩm nên rất thuận lợi cho các loại rau phát triển. Do vậy, giá rau có thể sẽ giảm trong thời gian tới.
Còn tại các cửa hàng rau sạch, rau an toàn, giá rau duy trì ở mức 20.000 – 30.000 đồng/kg, không tăng giá so với mọi ngày. Bên cạnh đó, nhu cầu về đậu phụ cũng tăng mạnh.
Theo chủ một cửa hàng làm đậu phụ ở chợ Mơ (Hà Nội), số lượng đậu phụ anh bán được tăng gấp ba ngày thường. Sau đợt ăn Tết dài với nhiều món ‘sơn hào, hải vị’, thịt, cá… thì đậu phụ là một trong những món ăn ưa thích để giải nhiệt. Vì vậy, năm nào chúng tôi cũng bán được nhiều hơn so với ngày thường. Giá đậu phụ không tăng, 2.000 đồng/bìa.