Buổi họp nhằm phân tích những nguyên nhân, tình hình và từ đó đề xuất những giải pháp bình ổn thị trường phân bón trong nước.
Cung không thiếu, giá vẫn tăng
Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá hàng hóa trên thị trường có nhiều biến động; trong đó, có mặt hàng phân bón. Từ đầu năm 2021, giá phân bón trong nước đã tăng trung bình từ 50 - 73%. Phân bón là đầu vào quan trọng của ngành sản xuất nông nghiệp, giá phân bón tăng đã làm tăng chi phí sản xuất, tác động tiêu cực đến đời sống của nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hàng năm, nước ta sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón. Năm 2020, sử dụng 10,23 triệu tấn; trong đó, có 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ. Hiện nay, tổng công suất đăng ký của các nhà máy phân bón trong nước là 29,25 triệu tấn.
Thời gian gần đây, giá phân bón liên tục tăng cao và nguyên nhân được ông Thanh nêu ra bao gồm: do giá nông sản trên thế giới tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón.
Trong khi đó, do giá phân bón giảm sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như: Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... đã khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng này phục hồi rất nhanh.
"Có thể nói thị trường hàng hóa thế giới đang hình thành một mặt bằng giá mới. Cùng với đó, là sự tăng giá của các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất; chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển…", ông Nguyễn Văn Thanh nhận định.
Nói thêm về nguyên nhân là tăng giá phân bón, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón. Cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm. Như vậy, công suất sản xuất gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ.
“Do đó, không có sự chênh lệch cung cầu và đây không phải là nguyên nhân đẩy giá phân bón tăng cao”, Cục trưởng Hoàng Trung khẳng định.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương cho rằng, giá phân bón tăng quá nhanh, nên cần sự giải thích cho rõ và đầy đủ. Giá phân bón tăng đã ảnh hưởng lớn đến người nông dân trồng lúa. Chi phí cho phân bón tăng từ 30-50%, trong khi giá lúa bán chỉ được từ 5.000 - 5.300 đồng/kg nên lợi nhuận không đảm bảo cho người trồng lúa.
Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khẳng định, nguồn cung phân bón không thiếu so với nhu cầu, nhưng do giá thế giới biến động tác động lớn đến chi phí giá thành sản xuất làm tăng giá bán sản phẩm.
Khi quý I/2021 có biến động tăng giá, các đơn vị chủ động làm việc với doanh nghiệp trong nước để có giải pháp bình ổn thị trường, tập trung tối đa cho sản xuất, hạn chế và thậm chí là dừng xuất khẩu phục vụ tối đa cho trong nước.
“Nguyên nhân chính của giá phân bón tăng là do chi phí sản xuất 7 tháng tăng rất cao như: lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… đã khiến giá đầu vào tăng. Cùng với đó, là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ dịch COVID-19”, ông Chuyên chỉ ra.
Trong khi đó, ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, trong nước đã hạn chế xuất khẩu từ đầu năm, nhà máy đã gia tăng tất cả năng lực sản xuất, duy trì từ 100 - 110% công suất, nhưng quy luật về giá không thể khác với thị trường thế giới. Thực tế, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà do thị trường thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.
Tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển
Ông Bùi Thế Chuyên đề xuất, trước mắt, để bình ổn thị trường phân bón cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển. Về lâu dài, cần giảm chi phí sản xuất, dù vẫn phải chấp nhận giá cao đối với một số nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Quan trọng hơn cả là, bình ổn giá các mặt hàng nguyên liệu sẵn có trong nước như: than cho sản xuất URE, amoniac cho sản xuất DAP…
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, liên Bộ Công Thương – Nông nghiệp đã thống nhất nhiều giải pháp; trong đó tập trung hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với nông dân bằng nhiều hình thức như giảm giá thành sản phẩm; bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào. các
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị, các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục cố gắng, bảo đảm chạy đúng công suất trên cơ sở bảo đảm an toàn cho công nhân, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Thứ trưởng yêu cầu, các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam được bán giá thấp hơn phân bón nhập vào, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhấp. “Ưu tiên dành phân bón cho sản xuất nông nghiệp trong nước, dừng xuất khẩu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về các giải pháp dài hạn, Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cố gắng chuyển đổi sang các loại phân bón khác kết hợp với việc sử dụng phân bón hữu cơ, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng.
Về khâu lưu thông, Thứ trưởng đề nghị, tất cả các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chủ động giải pháp đảm bảo lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ Đông Xuân sắp tới.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp đã lắng nghe và ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh biểu dương những nỗ lực của các tập đoàn, doanh nhiệp trong việc duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung phân bón cho thị trường. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ, giữ giá phân bón ổn định…