Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà đánh giá cao sự đóng góp của ngành đường sắt đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và khẳng định: trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đường bộ gặp nhiều khó khăn, vận tải đường sắt đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, hỗ trợ tích cực cho việc giảm áp lực thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu hàng hóa.
Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Ga Đồng Đăng ước đạt 162,4 triệu USD, tăng 65,5% so với cùng kỳ.
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để ngành đường sắt triển khai các dự án, nhất là dự án cải tạo mở rộng, nâng cao năng lực Ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng. Điều này góp phần hoàn thiện hạ tầng đường sắt, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng Ga Đồng Đăng đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt, tuyến đường bộ kết nối từ tuyến quốc lộ vào ga không đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa ra, vào ga. Tuyến đường sắt từ Ga Đồng Đăng kết nối tới Ga Gia Lâm (Hà Nội) và đến các tỉnh khác, nhất là các tỉnh phía Nam để chở hàng hóa gặp khó khăn do khác khổ đường sắt, dẫn đến phải chuyển tàu, tăng chi phí bốc xếp, kho bãi… Những điều này ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của ga và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu này.
Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị, bên cạnh đề xuất những phương án triển khai phần việc thuộc trách nhiệm của địa phương đối với dự án, phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quan tâm triển khai nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng thành tuyến đường sắt tốc độ cao.
Cùng đó, tiếp tục đầu tư, xây dựng mới, thực hiện bảo trì và nâng cấp kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc) nhằm đáp ứng được nhu cầu xuất nhập cảnh và giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, sớm đầu tư diện rộng và đồng bộ hệ thống toa tàu container chạy đông lạnh để phục vụ vận chuyển hàng nông sản, hoa quả cần bảo quản đông lạnh xuất khẩu, bởi hiện đang phải sử dụng toa tàu đông lạnh của Trung Quốc; quan tâm nghiên cứu, xem xét việc định hướng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic, vận tải, bốc xếp hàng hóa đầu tư phát triển dịch vụ này tại khu vực cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, với mục tiêu vận hành cửa khẩu theo hướng chuyên nghiệp, giảm chi phí thuê ngoài, từ đó giúp thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này;…
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, sẽ sớm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương trong triển khai một số hạng mục của dự án cải tạo. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến kiến nghị của tỉnh, có giải pháp hội đàm, đối thoại với phía đường sắt vận tải Trung Quốc và sẽ kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải để nhanh chóng cho triển khai để nâng cao năng lực cho Ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng nói riêng, cũng như các ga trên toàn tuyến.
Ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng (gọi tắt là Ga Đồng Đăng) nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, có diện tích khoảng 56 nghìn m2, bao gồm khu trung tâm, quảng trường ga, phòng đợi, cung đường sắt, bãi hóa trường… Trong ga có 10 đường sắt đều là khổ lồng (có thể chạy được tàu khổ 1.000mm và 1.435mm). Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Ga Đồng Đăng về đến Ga liên vận quốc tế Gia Lâm (Hà Nội). Toàn tuyến này có chiều dài khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, sau nhiều năm vận hành và khai thác, thực trạng cơ sở hạ tầng Ga Đồng Đăng đã không còn đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của địa điểm kiểm tra, giám sát hải quan về hàng hóa đối với một cửa khẩu ga đường sắt quốc tế.
Cụ thể, hiện khu vực bãi chứa hàng hóa (bãi hóa trường của nhà ga) để làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá không được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng tường rào, không đáp ứng nhu cầu kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. Lối vào bãi cho phương tiện đường bộ không trang bị barie dẫn đến nhiều khó khăn khi kiểm soát phương tiện.
Trong khu vực bãi hóa trường không bố trí lối đi riêng, cổng ra, vào riêng để sử dụng riêng biệt giữa khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa. Giữa các khu vực lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa không được ngăn cách riêng biệt; hệ thống bến bãi, đường ray xuống cấp…