Băn khoăn giá cước và chất lượng dịch vụ 3G

Giá cước dịch vụ Internet công nghệ 3G được dự báo là sẽ tăng từ lâu nhưng việc các nhà mạng chính thức điều chỉnh giá một số gói cước 3G trong 2 ngày qua vẫn khiến nhiều khách hàng băn khoăn. Để làm rõ vấn đề này, ngày 17/10, Báo điện tử Infonet và chuyên trang ICTnews của Báo Bưu điện Việt Nam đã tổ chức Giao lưu trực tuyến: Vì sao tăng cước 3G?


Chỉ tăng một số gói do giá cước 3G quá thấp


Được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), VinaPhone đã điều chỉnh cước truy nhập dữ liệu trên mạng 3G từ máy điện thoại di động (dịch vụ Mobile Internet) và các thiết bị khác như USB 3G, máy tính bảng (dịch vụ ezCom). Theo đó, hai gói MAX và MAXS của VinaPhone đã tăng thêm với mức tương ứng là 20.000 đồng và 15.000 đồng. Cùng thời điểm, cước 3G trọn gói của Viettel (Mimax) và MobiFone (MIU) cũng tăng thêm từ 50.000 đồng/tháng lên 70.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, nhà mạng cũng cho biết, giá của những gói cước ảnh hưởng đến số đông khách hàng vẫn được giữ nguyên, chỉ tăng giá đối với gói cước không giới hạn. Do đó, đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh cước 3G không nhiều.

 

Viettel đã điều chỉnh giá gói cước 3G.Lê Phú


Trả lời thắc mắc của một thuê bao ở Hà Nội về lý do tăng giá 3G, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) nói: “Hiện nay các doanh nghiệp đang bán dịch vụ 3G dưới giá thành (các doanh nghiệp đã chứng minh giá thành theo quy định Bộ đã ban hành). Hơn nữa, giá cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn hầu hết các nước trong khu vực và quốc tế.


Có ý kiến cho rằng: Việc tăng giá cước 3G lần này là do sức ép của dịch vụ OTT (ứng dụng giúp nhắn tin, điện thoại miễn phí trên di động) đang bùng phát đã khiến cho các nhà mạng gây thất thu hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hồ Đức Thắng, Phó Giám đốc Công ty VinaPhone khẳng định: Không phải do sức ép của dịch vụ OTT mà là do đang bị lỗ nên VinaPhone phải tăng giá cước 3G. Nhà mạng thực hiện việc điều chỉnh giá cước theo nguyên tắc là giá bán không dưới giá thành và phải tiệm cận với giá thành.


Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng kinh doanh, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng khẳng định việc điều chỉnh cước 3G không liên quan đến dịch vụ OTT do việc sử dụng dịch vụ OTT tiêu tốn dung lượng data rất ít. Còn đại diện MobiFone chia sẻ: MobiFone đang có nhiều gói cước và lần này chỉ điều chỉnh giá 2 gói cước Mobile Internet với mức tăng trung bình khoảng 20%.


Giá cước tăng có đi đôi với chất lượng?


Trả lời cho những băn khoăn của khách hàng về việc tuy tăng cước nhưng không thấy nhà mạng có bất kỳ cam kết chất lượng, ông Hồ Đức Thắng cho biết: Hàng năm Bộ TT-TT đều có đợt kiểm tra, đo kiểm để đánh giá và VinaPhone đều đảm bảo chất lượng cung cấp, thậm chí còn cao hơn chất lượng của Bộ quy định.


“Tuy nhiên, khi xây dựng mạng thì phải theo lộ trình chứ trong một thời điểm không thể một lúc có thể xây dựng mạng hoàn chỉnh ngay, vừa xây dựng vừa tìm hiểu kỹ thuật để tối ưu hóa mạng lưới; điều chỉnh trạm phát sóng để phù hợp nhu cầu người dân. Trong lúc điều chỉnh nâng cấp mạng lưới như vậy cũng có nơi, thời điểm chất lượng không đảm bảo yêu cầu khách hàng. Việc VinaPhone xin điều chỉnh tăng giá cước theo gói cũng là để nâng cao chất lượng mạng lưới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, ông Thắng nói.


Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng kinh doanh Viettel, chất lượng sóng 3G hay viễn thông luôn là điều quan tâm hàng đầu của Viettel. Vì vậy, nhà mạng đã tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của Bộ TT-TT và doanh nghiệp cũng có những tiêu chuẩn giám sát chất lượng. Riêng đối với 3G, sau khi được cấp phép, Viettel là đơn vị đầu tư hệ thống hạ tầng lớn nhất với trên 26.000 trạm phát sóng. “Đối với thông tin chất lượng chưa đảm bảo từ khách hàng phản ánh, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, tăng thêm trạm phát sóng tại các vùng lõm”, ông Dũng nói.


Còn đại diện MobiFone cho hay: Nhà mạng đã luôn cố gắng nâng cao chất lượng tốt nhất cho khách hàng khi có thể. Cũng như Viettel, so với cam kết ban đầu khi xin giấy phép, MobiFone đã tăng số trạm phát sóng lên 4, 5 lần. “Về chất lượng trạm thì có 2 vấn đề cần nêu, đó là vùng phủ sóng và chất lượng sóng. Về vùng phủ sóng, năm 2013 chúng tôi tăng 3.000 trạm và đến 2014, dự kiến xây dựng lên 4.000 trạm. Thứ hai là chất lượng sóng trong thành phố, chúng tôi liên tục đo kiểm để tối ưu hóa mạng lưới. Sắp tới chúng tôi dự kiến sẽ nâng cấp tất cả các trạm lên tốc độ 21Mbps, cao hơn rất nhiều so với tốc độ cam kết trước đây trong giấy phép (7,2Mbps)… Khi nhà mạng điều chỉnh cước, đồng nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội để tái đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng”, phía MobiFone khẳng định.



Minh Phương

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN