Theo phương án Sở Xây dựng Đồng Nai đưa ra, vùng phụ cận sân bay Long Thành quy hoạch thành 5 phân khu tại các vị trí hướng Bắc, Đông, Tây và Nam sân bay với bán kính từ 10 - 20km. Diện tích các vùng quy hoạch vẫn chưa được xác định cụ thể, có thể từ 15.000 - 40.000 ha.
Sơ đồ phân khu chức năng quy hoạch vùng sân bay Long Thành. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN |
Ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, khi sân bay Long Thành được xây dựng và đưa vào khai thác sẽ có nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội tác động qua lại. Cấu trúc quy hoạch mà Sở Xây dựng đề xuất không đi theo mô hình vỏ bọc mà theo hướng vệ tinh.
Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai đề xuất 4 vị trí quy hoạch vùng sân bay Long Thành như sau: hướng Tây sân bay sẽ phát triển đô thị, khu dân cư; hướng Đông phát triển hệ thống logistics; hướng Đông - Nam phát triển công nghiệp phụ trợ; hướng Tây - Nam phát triển công nghiệp, cảng biển.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Sở Xây dựng chủ trì cùng các sở, ngành, địa phương làm rõ được phương án quy hoạch cụ thể. Theo ông Vĩnh, việc quy hoạch một thành phố sân bay (airport city) là cần thiết. Do đó, đơn vị thực hiện quy hoạch phải làm rõ được việc quy hoạch các ngành nghề, phân khu chức năng là nhằm mục đích phát triển và khai thác dịch vụ tương hỗ từ sân bay; quy hoạch, xây dựng thành phố sân bay có khác với xây dựng thành phố bình thường hay không?
Ông Trần Văn Vĩnh đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các phương án cụ thể, làm rõ hơn việc cần thiết phải quy hoạch vùng phụ cận sân bay với đầy đủ các chức năng nhằm khai thác hiệu quả của một thành phố và khu chức năng quanh sân bay.
Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành đang được triển khai theo quy trình, hiện Chính phủ đã cấp kinh phí 4.500 tỷ đồng cho tỉnh Đồng Nai trong năm 2018 - 2019 để bồi thường, hỗ trợ, xây dựng và bố trí tái định cư cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng dự án. Theo dự kiến, đến năm 2021, dự án sân bay Long Thành sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1.