Bản quyền giống: Điểm yếu của xuất khẩu hoa Việt Nam

Nhu cầu sử dụng hoa ngày càng tăng và dự tính quy mô thị trường thế giới mỗi năm có thể đạt 15 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu hoa được vài chục triệu USD/năm và tiềm năng cũng như dư địa để khai thác thị trường xuất khẩu còn rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn vốn lớn đầu tư sản xuất thì sản phẩm xuất khẩu bắt buộc phải có bản quyền giống.

Chú thích ảnh
Trang trại trồng hoa Đan Hoài, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được hiện mới chỉ một vài doanh nghiệp trồng hoa lớn, có sự liên kết với nước ngoài mới có thể sản xuất được hoa đảm bảo chất lượng và đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trong đó có các sản phẩm hoa trồng trong nhà kính của Công ty PAN-HULIC (Tập đoàn PAN) được đánh giá rất cao và xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản.

Có được kết quả này, bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, Chủ tịch PAN-HULIC cho biết, hiện tại các giống hoa của PAN-HULIC được nhập khẩu toàn bộ từ Hà Lan, Nhật Bản, Israel, Đức… và tất cả đều có bản quyền cho phép Công ty nhân giống tại Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Trà My, phần lớn các giống hoa đang sản xuất trong nước không có bản quyền là một trong những điểm yếu nhất trong sản xuất hoa Việt Nam. Giống hoa không có bản quyền hầu hết là giống cũ được nhân bản trái phép với chất lượng thấp.

Tại Lâm Đồng, khoảng 70% các giống cúc, hồng, cẩm chướng đã rất cũ và số còn lại là nhân giống trái phép nên hoa của nông dân và các công ty trong nước không thể xuất khẩu được.

Nhìn rộng ra việc sử dụng và nhân giống không có bản quyền về lâu dài sẽ làm mất niềm tin của các công ty, đối tác nước ngoài đối với nền sản xuất hoa tại Việt Nam về quản lý nguồn giống và hạn chế kết nối, chuyển giao bản quyền.

Để có bản quyền giống, vấn đề lớn nhất không phải là chi phí nhập khẩu giống mà là việc thuyết phục được các công ty giống cung cấp bản quyền. Các công ty được cung cấp bản quyền đều phải trải qua quá trình chọn lựa và soát xét rất kỹ về cơ sở vật chất cũng như năng lực và cam kết bản quyền, bà My cho hay.
 
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu về giống, PAN-HULIC đầu tư trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống tại Đơn Dương, Lâm Đồng. Trung tâm này sẽ kết hợp với các công ty giống lớn trên thế giới qua các hợp đồng chuyển giao bản quyền để sản xuất giống cung cấp cho thị trường Việt Nam và châu Á.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến nay, ngành chức năng đã công nhận chính thức được 248 giống cây trồng; trong đó trên 80% là giống lúa, ngô. Trong khi có nhiều giống lúa, ngô được công nhận thì lại có rất ít giống rau, hoa mới ra đời. Việc nghiên cứu, chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh.

Hiện nay, Việt Nam mới chọn tạo và bảo hộ được gần 20 giống hoa như: cẩm chướng, cúc, hồng, lily, lay ơn, lan hồ điệp, hồng môn…; đồng thời nhập nội được 5 chủng loại giống hoa là cúc, đồng tiền, lan hồ điệp, lay ơn, loa kèn, mỗi chủng loại 5 giống. Các giống này đã được đánh giá và xác định có khả năng phát triển tốt và mở rộng trong sản xuất. Ngoài ra, còn có 150 giống ngoại được bảo hộ tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Nhà vườn ở làng hoa Thái Phiên (Phường 12, Đà Lạt) thu hoạch hoa ly. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Ngay tại "thủ phủ" là tỉnh Lâm Đồng, sản xuất hoa xuất khẩu, giống hoa cũng chủ yếu tự nhân giống bằng cách tách cây con từ cây mẹ hoặc để củ giống như: cúc, hồng, lay ơn…. Các giống hoa trong nước chưa sản xuất được, mỗi năm tỉnh phải nhập khẩu từ 50 - 90 triệu củ, cây, ngọn, cành, hạt giống mới với các loại như: cúc, hồng, cẩm chướng, lan hồ điệp… để khảo nghiệm và đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, hầu hết hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở sản xuất giống rau, hoa chưa được đầu tư đồng bộ, quy mô sản xuất còn nhỏ, yếu về năng lực và chưa chú trọng về bản quyền nên xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ vấn đề bản quyền, các quy định nhập khẩu ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là Nhật Bản đòi hỏi rất nghiêm ngặt từ khâu ươm giống, trồng trọt đến thu hoạch, bảo quản, quản lý dịch hại…

Theo ông Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, sản xuất hoa chất lượng cao cho xuất khẩu bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao, quy trình chuẩn khép kín. Không giống như các nông sản khác có thể sản xuất tự nhiên, sản xuất hoa phải có nhà kính, nhà lưới.

Hiện ở miền Bắc chưa có nhiều nhà đầu tư vì hạn chế về vốn, thông tin thị trường. Những doanh nghiệp đầu tư vào trồng hoa xuất khẩu chủ yếu ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đều có sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Đặng Văn Đông cho rằng, cần có quy hoạch vùng cho trồng hoa xuất khẩu. Ở đó, doanh nghiệp được hỗ trợ về giao thông, điện, nước…, nhưng hiện nay sự hỗ trợ của địa phương trong lĩnh vực này còn ít.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Trà My cho biết, có nhiều việc phải làm để giúp Việt Nam có vị thế tốt hơn trên thị trường xuất khẩu hoa.
 
Một trong những giải pháp hiệu quả là đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hộ dân, hợp tác xã nhỏ và vừa. Việc này đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề hiện tại trong sản xuất hoa, đó là phát triển nhanh được diện tích trồng hoa cao cấp với giống có bản quyền; dần đào tạo được kỹ thuật cho các hộ trồng hoa nhỏ lẻ, chiếm đại đa số diện tích canh tác và tạo được giá trị cộng đồng qua việc nâng cao thu nhập cho các hộ trồng hoa.
 
Đặc biệt, phát triển hoạt động liên kết sản xuất sẽ thuận lợi hơn nhiều khi có thêm các chính sách khuyến khích và thúc đẩy từ các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành liên quan, bà My nhấn mạnh.

Đứng trước cơ hội từ thị trường, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030, ít nhất có 30% các giống rau, hoa sản xuất đáp ứng yêu cầu về bản quyền để xuất khẩu; 90% cơ sở sản xuất giống rau, hoa, cây đặc sản đạt tiêu chí sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao.
 
Theo đó, Lâm Đồng sẽ nâng cao chất lượng sản xuất giống cây trồng vật nuôi thông qua việc hỗ trợ nâng cao năng lực các đơn vị nghiên cứu sản xuất giống; hỗ trợ nhập khẩu sử dụng các giống bản quyền phù hợp với quy định quốc tế. Trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng trang thiết bị cho Trung tâm Giống và Vật tư nông nghiệp tỉnh với mục tiêu trở thành đơn vị nghiên cứu, cung cấp giống rau, hoa cho toàn tỉnh và các địa phương khác trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Trồng trọt, do nguồn lực nhà nước đầu tư cho nghiên cứu giống thấp nên các chương trình, dự án phải tập trung nghiên cứu, chọn tạo các loại giống cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, đời sống, nhu cầu hàng ngày của người dân.

Do vậy, các giống hoa chưa được tập trung nghiên cứu nhiều. Trong thời gian tới, đây là lĩnh vực cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; trong đó có trồng hoa công nghệ cao.

Bích Hồng (TTXVN)
Nghề trồng hoa cho thu nhập đến cả tỷ đồng
Nghề trồng hoa cho thu nhập đến cả tỷ đồng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 2.000ha đất nông nghiệp cấy lúa kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước, giao thông, thủy lợi nội đồng… Do vậy, Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 đến 8 lần so với cấy lúa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN