Tại Việt Nam, thực tế đã có chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn (2011 -2013), nhưng với những rủi ro vốn có của ngành nông nghiệp, hoạt động này đã dừng lại. Mới đây, Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp đã được Chính phủ ban hành nhằm tái khởi động chương trình. Nhưng, để thực hiện được loại hình bảo hiểm này còn nhiều việc cần giải quyết.
Không đơn giản
Bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số hơn 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hiện hành trên thị trường bảo hiểm thế giới (bao gồm trên 250 sản phẩm bảo hiểm tài sản, gần 200 sản phẩm bảo hiểm con người và xấp xỉ 100 sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm).
Theo ông Bùi Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Quản lý, giám sát Bảo hiểm Phi nhân thọ, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP.
“Vì vậy, nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp chính là niềm hy vọng mạnh mẽ nhất” ông Bùi Thanh Hải nói.
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng nhấn mạnh, chính sách về bảo hiểm nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.
Là nước nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam có mức tăng trưởng khoảng 2,55%/năm; giá trị gia tăng của ngành này đang chiếm 15% GDP; giá trị xuất khẩu nông sản đạt khoảng 40 tỷ USD. Tuy nhiên, bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam lại chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ, chiếm 0,069% (năm 2004); khoảng 0,008% (năm 2005), gần 0,012% (năm 2006) và 0,01%/năm (giai đoạn 2007-2010).
Giai đoạn 2011-2013 bảo hiểm nông nghiệp đã được thực hiện thí điểm đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra), tại 20 tỉnh, thành phố.
Theo ông Nguyễn Quang Huyền, chương trình thí điểm này đã đạt được một số kết quả như: thiết lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp; hình thành được 3 sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với đặc tính của từng loại sản phẩm…
Đồng thời, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, đại diện Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh cho biết, giai đoạn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan liên quan và một số doanh nghiệp bảo hiểm. Nhưng việc triển khai gặp một số khó khăn về tuyên truyền vận động; giám sát tuân thủ quy trình sản xuất, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm soát rủi ro trong quá trình sản xuất nông nghiệp, thiếu công cụ quản lý số liệu.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi là do nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam manh mún, phạm vi đối tượng, địa bàn bảo hiểm khá rộng nên khả năng tham gia bảo hiểm hạn chế. Không những thế, chi phí bảo hiểm lớn làm cho chi phí tham gia bảo hiểm của người sản xuất tăng cao, gây khó khăn cả 2 bên tham gia bảo hiểm.
Bên cạnh đó, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn và thường xuyên. Việt Nam là nước có nhiều thiên tai, với mật độ thiên tai xảy ra ngày càng dày và cường độ ngày càng tăng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm đối mặt với nguy cơ thua lỗ cao. Doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong các hợp đồng tái bảo hiểm.
Ngoài ra, phải hạn chế được tối đa những hệ lụy từ quỹ bảo hiểm này; trong đó, vấn đề xác định rủi ro trong nông nghiệp là rất khó nên đã có sự trục lợi bảo hiểm. Đặc biệt nhiều người dân không mặn mà tham gia bảo hiểm nông nghiệp
Tiếp theo giai đoạn thí điểm, từ năm 2014-2018, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm như Tập đoàn Tài chính-Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VBI)... vẫn tiếp tục nghiên cứu triển khai bảo hiểm nông nghiệp với tổng doanh thu đạt trên 210 tỷ đồng.…
Khởi động trở lại
Với mục tiêu giúp GDP nông nghiệp tăng 3%/năm và hỗ trợ 15.000 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp (Nghị định 58).
Nghị định này quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 58 được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.
Nghị định nêu rõ đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp bao gồm cây lúa, trâu, bò; thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) được triển khai tại 20 tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.
Theo ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Nghị định 58 là khung pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam. Nghị định giúp các doanh nghiệp bảo hiểm vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội của thị trường, đồng hành cùng các cơ quan quản lý và người dân để triển khai bảo hiểm nông nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để giải bài toán bảo hiểm nông nghiệp cần phải xây dựng cơ chế chính sách riêng cho bảo hiểm nông nghiệp như: hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, trợ giúp của các tổ chức (tín dụng, xuất khẩu), nhà nước nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu mức độ rủi ro cho từng đối tượng, từng vùng để có chính sách phát triển bảo hiểm phù hợp.
Theo đó, tập trung thực hiện theo phương châm đi từ dễ đến khó, lựa chọn các đối tượng có mức độ rủi ro đồng nhất, mức độ rủi ro vừa phải, sản phẩm bảo hiểm đơn giản dễ thực hiện, lựa chọn rủi ro dễ kiểm soát…
Ông Nguyễn Quang Huyền đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng công nghệ trong xây dựng sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo hướng đảm bảo áp dụng thống nhất trên tất cả các địa bàn được triển khai hỗ trợ, phù hợp với điều kiện khả năng của ngành nông nghiệp.
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Quang Huyền, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phải được công khai, minh bạch, khách quan; đảm bảo được quyền lợi giữa các bên tham gia; được thực hiện dễ dàng trong việc tham gia bảo hiểm cũng như trong bồi thường thiệt hại; tiếp tục hoàn thiện các điều kiện, điều khoản để sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế.
“Đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Quang Huyền nói.
Đồng thời, ông Nguyễn Quang Huyền đề nghị các địa phương lựa chọn, công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, tổ chức thực hiện phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Điều 24 Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ.