Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, bài viết đề cập đến chiến lược của Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, trong tháng này bắt đầu nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Theo bài viết, Việt Nam đang nhập khẩu gạo Ấn Độ có giá thấp hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi tiết kiệm sản lượng trong nước phục vụ xuất khẩu khi đang có giá bán ở mức cao so với nhiều năm qua.
Bài viết cho rằng giá gạo Việt Nam gần đây đang tốt hơn so với giá gạo của Thái Lan, vốn thường có truyền thống được giá cao. Nguyên nhân là do Việt Nam đã ký một hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), mở ra cánh cửa vào thị trường châu Âu nhiều triển vọng. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết gần đây cũng sẽ mở ra nhiều thị trường hơn cho gạo giá cao hơn.
Bài viết cho rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt để tận dụng những cơ hội này và đây là kết quả tích cực có được nhờ luôn nỗ lực cải thiện chất lượng và chủng loại gạo. Ngoài việc sản xuất ra nhiều loại gạo thơm chất lượng cao, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đang phát triển các giống mới phù hợp với xu hướng thị trường như gạo trắng hạt mềm, cũng như tổ chức lại các phương thức sản xuất, cải thiện an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng cùng tăng năng suất.
Những nỗ lực này đã giúp tăng năng suất, nhận diện thương hiệu tốt hơn và được người tiêu dùng trên thế giới khen ngợi. Điển hình là gạo ST25 của Việt Nam đã giành danh hiệu Gạo Ngon nhất thế giới tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới năm 2019.
Về hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo của Thái Lan, bài viết đề cập nước này từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng hiện đã xuống vị trí thứ ba sau Ấn Độ và Việt Nam. Thái Lan cần học hỏi từ cách Việt Nam điều chỉnh thương mại để phù hợp với những xu thế của thị trường.
Bài viết nêu rõ trong những năm gần đây, gạo Thái Lan đang mất đi sự ưa chuộng khi người tiêu dùng chuyển sang các loại gạo mềm hơn. Nước này có nguy cơ tụt xuống vị trí thứ 5 trong thập niên tới nếu không phát triển một chiến lược gạo dài hạn đa dạng và cạnh tranh hơn.
Năng suất của Thái Lan cũng tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực trong nhiều năm - năng suất lúa địa phương khoảng 450 kg/mẫu Thái (0,16 ha) so với năng suất 960 kg của Việt Nam và 2 tấn của Trung Quốc.
Bài viết nêu cách để Thái Lan có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra là xây dựng lợi thế với tư cách là một quốc gia sản xuất lương thực bằng cách gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả.