Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang

Với diện tích trên 22.000 ha mặt nước, trải dài qua 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, có hệ sinh thái đa dạng phong phú, nơi sinh tồn của hàng ngàn loài thủy sinh có giá trị kinh tế. Chính vì vậy, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang là mục đích mà Thừa Thiên - Huế đang hướng tới.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ thủy sản Thừa Thiên - Huế, trong vùng hiện có hơn 14.000 lao động làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, vì vậy việc nâng cao ý thức của người dân tự bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang là hết sức cần thiết, trước hết là thay đổi nhận thức và các hành vi đánh bắt huỷ diệt (rà điện, lưới quét) tự nhiên sang nuôi trồng và làm giàu nguồn lợi thuỷ sản.


Phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Internet



Việc tỉnh cho phép đầu tư thành lập các khu bảo vệ thủy sản đã thể hiện cách nhìn đúng và cách ứng xử tích cực với đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Các mô hình này phù hợp trong điều kiện kinh tế hiện nay, bởi chi phí đầu tư thấp, dễ quản lý, quy mô nhỏ nên dễ dàng được nhân dân và chính quyền địa phương tích cực hưởng ứng...


Từ Khu bảo vệ thủy sản Cồn Chìm, Vinh Phú (Phú Vang) được hình thành từ cuối năm 2009 với diện tích 23,6 ha, đến nay Thừa Thiên - Huế đã có thêm 5 khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích hơn 160 ha trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đó là Khu bảo vệ thủy sản Cồn Cát, xã Điền Hải (Phong Điền) diện tích 17,7ha; Khu bảo vệ thủy sản Doi Chỏi, xã Phú Diên (Phú Vang) 30,4ha; khu bảo vệ thủy sản Đập Tây - Chùa Ma, xã Vinh Giang (Phú Lộc) với diện tích 35ha; Khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ, Quảng Lợi (Quảng Điền) 40ha; Khu bảo vệ thủy sản Núi Quện, Lộc Bình (Phú Lộc) 40ha.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiếp tục hình thành thêm 2 khu bảo vệ thủy sản ở Cồn Sáo, Hương Phong (Hương Trà) 16 ha và khu Gành Lăng, Lộc Bình (Phú Lộc) 15 ha. Theo giao ước chung, cấm tuyệt đối khai thác dưới mọi hình thức ở khu vực này. Các khu bảo vệ thủy sản hình thành giao cho cộng đồng bảo vệ quản lý trên cơ sở từ sự quan tâm lớn của tỉnh, sự tài trợ kinh phí của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước thông qua Hội Nghề cá tỉnh. Những khu bảo vệ ra đời trong thời gian ngắn đã mang lại hiệu quả, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, khoanh vùng bảo vệ thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.


Tại Khu bảo vệ thuỷ sản Cồn Cát thuộc xã Điền Hải, huyện Phong Điền trước khi thành lập, nguồn lợi thủy sản đã cạn kiệt do lối đánh bắt tự nhiên. Trong vài năm trở lại đây, 66 hộ ngư dân thôn 8, xã Điền Hải đã chấp hành nghiêm túc những quy định về đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang. Chi hội nghề cá Điền Hải được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản Thừa Thiên - Huế hướng dẫn về phương pháp bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, trong đó có thả một lượng lớn cá dìa giống vào môi trường tự nhiên.

Việc bảo vệ nghiêm ngặt khu bảo vệ thuỷ sản tạo điều kiện các loại thảm thực vật, rong, cỏ... phát triển tốt, đây chính là nguồn thức ăn và là nơi trú ẩn của cá dìa. Kết quả sau mỗi vụ thu hoạch, cộng đồng ngư dân địa phương quanh Khu bảo vệ thủy sản Cồn Cát đã thu lợi được vài trăm triệu đồng. Ngư dân xã Điền Hải còn đứng ra thành lập đội tự quản để bảo vệ bình yên và môi trường cho phá Tam Giang, xử lý nhiều trường hợp thuyền khai thác hủy diệt thuỷ sản từ nơi khác đến hoạt động trên phá Tam Giang.

Hiện nay, Điền Hải đang có kế hoạch nâng cấp các thuyền tuần tra, bởi với công suất thấp như hiện nay, các thuyền tuần tra truy quét đạt hiệu quả chưa cao.


Quốc Việt
Tour mới: Rú Chá-“Viên ngọc” của đầm phá Tam Giang
Tour mới: Rú Chá-“Viên ngọc” của đầm phá Tam Giang

Cái tên Rú Chá do người dân địa phương gọi từ đời này sang đời khác, vì trên vùng đất ngập nước này cây chá mọc dày đặc, như một bình phong án ngữ che chắn cho đất liền trước biển Thuận An (Thừa Thiên Huế).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN