Gia tăng lợi ích trải nghiệm
Theo đánh giá của người tiêu dùng, sự bùng nổ của công nghệ internet và smartphone, nhiều trang thương mại điện (TMĐT) ra đời và càng ngày có uy tín hơn, người dân tiết kiệm nhiều thời gian mua sắm hơn nhờ có thêm nhiều phương thức thanh toán đa dạng không tiền mặt.
Chưa kể, việc thanh toán các hóa đơn dịch vụ điện, nước, truyền hình cáp, internet… cũng không cần tiền mặt và cũng không phải đến các điểm giao dịch nhờ có các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử tích hợp các tiện ích thanh toán trên. Bên cạnh đó, việc chấp nhận thanh toán bằng thẻ ở các điểm bán lẻ như các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa lớn, nhà hàng, khách sạn… cũng giúp người tiêu dùng mạnh dạn mua sắm, ít lo bị mất cắp hơn.
Không chỉ thế, việc gia tăng thanh toán không tiền mặt (TTKTM) cũng giúp các chủ cửa hàng, doanh nghiệp quản lý tiền tốt hơn; còn các cơ quan quản lý, cơ quan thuế cũng nắm bắt được thông tin chi tiêu, đóng thuế của doanh nghiệp một cách minh bạch hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, đây là lợi ích của TTKTM đem lại và là một minh chứng rõ nét cho sự đúng đắn, tính hiệu quả của những cơ chế chính sách, giải pháp của Chính phủ đã thực hiện thời gian qua.
Nhằm gia tăng hơn nữa lợi ích trải nghiệm TTKTM, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, gia tăng các dịch vụ tiện ích khi thanh toán qua internet banking, mobile banking, ví điện tử…; lắp đặt các máy Pos tại các điểm bán lẻ, đơn vị cung ứng dịch vụ công (cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích...).
Song song đó, thẻ ngân hàng tiếp tục phát hành với số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng qua từng năm. Tính đến năm 2018, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong năm 2018 đạt khoảng 229,2 triệu lượt với tổng giá trị giao dịch khoảng 592 nghìn tỷ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018).
Tăng cường bảo mật
Mặc dù TTKTM là xu hướng và được người dân đón nhận nhiệt tình, nhưng vẫn còn nhiều người băn khoăn về độ an toàn khi thanh toán. Nhất là khi công nghệ 4.0 phát triển, vấn đề bảo mật thông tin thẻ khi TTKTM càng phải nâng cao, bởi gian lận thanh toán càng phức tạp và tinh vi.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 6/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 4 bị can là sinh viên vì đã hack tài khoản hàng trăm website của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán và ví điện tử để chiếm đoạt tiền. Đối với một số website không tự tấn công được, đối tượng đã thuê các tin tặc (hacker) nước ngoài rà quét lỗ hổng, tấn công chiếm quyền điều khiển để đối tượng sử dụng vào mục đích chiếm đoạt dữ liệu của các website này.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 9/2018 đến tháng 4/2019, đối tượng đã tấn công vào hệ thống cơ sở dữ liệu của 5 doanh nghiệp, chiếm đoạt hàng chục ngàn dữ liệu thẻ cào điện thoại, thẻ game các loại với giá trị lên đến gần 5 tỷ đồng.
Thượng tá Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh giá: Lỗ hổng này có thể tồn tại ở nhiều doanh nghiệp trung gian thanh toán khác tại Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ cao tiếp tục bị hack tài khoản trộm cắp dữ liệu. Đây là một trong những điểm khiến người dùng lo ngại khi sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt.
Theo Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, ông Đào Minh Tuấn, tăng cường bảo mật là cách thiết thực để người dân tin dùng phương thức thanh toán phi tiền mặt. Do đó, để khuyến khích được người dân bỏ tiền mặt thì các sản phẩm tiền kỹ thuật số, thẻ ngân hàng, ví điện tử… phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người dân khi xảy ra sự cố.