Không chỉ có xe Limousine mà gần đây xe tư nhân 4 chỗ, 7 chỗ cũng tham gia vào hoạt động chở khách liên tỉnh khá đông. Thậm chí mới đây trên địa bàn Hà Nội còn xuất hiện xe cấp cứu "dù”, được cấp phép một đằng nhưng lại chạy một kiểu tiềm ẩn rủi ro, gây mất an toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Xe tư, xe cấp cứu "dù" đón khách tại nhà
Chị Phương Minh ở khu đô thị Linh Đàm thường xuyên về quê Tuyên Quang vào cuối tuần và phương tiện được chị lựa chọn để đi lại là loại xe con từ 4 chỗ đến 7 chỗ.
“Ở Tuyên Quang có 4 số tổng đài để đặt loại xe này, muốn đi đâu chỉ cần nhấc máy gọi tổng đài là nhà xe sẽ bố trí xe đưa đón tại nhà theo yêu cầu. Nếu hết xe, nhà xe sẽ hẹn bố trí vào giờ khác. Do không cần phải đi xe ôm hay taxi ra bến xe để mua vé nên đi xe này vừa lịch sự, tiện lợi và rẻ hơn nếu đi cả gia đình. Nhưng vào dịp lễ Tết nhà xe chủ yếu đón khách quen, nên việc đặt xe là rất khó”, chị Phương Minh cho biết.
Mới đây, cơ quan thông tin đại chúng còn phản ánh hoạt động chở khách liên tỉnh biến tướng sang cả loại hình xe cấp cứu, cụ thể là hoạt động của hãng xe vận chuyển cấp cứu Hà Sơn.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: "Qua phản ánh của dư luận, chúng tôi được biết có hãng xe Hà Sơn hoạt động tại Hòa Bình nhưng Sở Y tế Hà Nội chỉ có thể kiểm tra xử lý xe cấp cứu đăng ký trên địa bàn Hà Nội. Hãng này chỉ đăng ký 1 xe cấp cứu nhưng thực tế tại Hà Nội hãng có 5 - 6 xe đang hoạt động."
Việc các xe cấp cứu chạy thêm tiềm ẩn nhiều rủi ro do nhân sự, trang thiết bị không được kiểm soát. Trong khi đây là loại hình vận chuyển đặc biệt, liên quan trực tiếp sinh mạng con người. Để kiểm soát xe cấp cứu, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, Sở Giao thông Vận tải, Công an Hà Nội đề nghị phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở cấp cứu này. Đồng thời, cung cấp cho các đơn vị liên quan biển số của các hãng xe cấp cứu đã đăng ký. Cảnh sát giao thông hoàn toàn có thể dựa trên biển kiểm soát được cung cấp để xử lý.
Ông Trung cũng nhìn nhận, tuy loại hình này số lượng không nhiều nhưng gây hiệu ứng xã hội rất lớn nếu không quản lý chặt chẽ. Sau phản ánh của báo chí, Sở Y tế Hà Nội sẽ có kế hoạch thanh kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh xe cấp cứu. Nếu phát hiện hãng có số lượng xe vượt quy định, không đảm bảo yêu cầu về nhân lực, thiết bị y tế trên xe… cơ quan chức năng có thể thu hồi giấy phép.
Nhiều biến tướng
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm có 5 loại hình chính là: xe buýt, xe tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm cả xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi hoạt động thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải).
Theo đó, xe khách tuyến cố định kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định; xe hợp đồng kinh doanh vận tải hành khách không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Cụ thể, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng.
Đánh giá về hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, về cơ bản các đơn vị kinh doanh vận tải, các chủ phương tiện, người lái xe đã chấp hành các quy định trong hoạt động quản lý vận tải, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, còn một số đơn vị vận tải, chủ phương tiện, người lái xe vi phạm các quy định của pháp luật, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị.
Lợi dụng kẽ hở của các quy định trong hoạt động vận tải, một số đơn vị vận tải lập văn phòng đại diện tại Hà Nội, sử dụng xe hợp đồng (xe dạng Limousine và xe khách) để tổ chức thu tiền, đặt chỗ, gom khách hoạt động liên tục đi các tỉnh, thành phố như tuyến cố định, gây mất trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị, thường được gọi là “xe khách trá hình”.
Một số cá nhân sử dụng phương tiện không có phù hiệu hoạt động kinh doanh vận tải đón trả khách (chủ yếu là xe tỉnh khác về Hà Nội hoạt động), thường được gọi là “xe dù”. Đến thời điểm này hầu hết các đối tượng này đã đăng ký cấp phù hiệu xe hợp đồng để hoạt động trá hình.
Theo ông Vũ Văn Viện, về bản chất, các phương tiện đã đăng ký và được cấp phù hiệu nhưng hoạt động không theo đúng bản chất loại hình kinh doanh vận tải mà pháp luật đã quy định, cụ thể là xe hợp đồng hoạt động như xe taxi, xe hợp đồng hoạt động như xe khách tuyến cố định.
Một số đơn vị vận tải sử dụng trụ sở doanh nghiệp, phòng vé, văn phòng đại diện, các khu đất trống hoặc đất dự án chưa triển khai nằm trên địa bàn các quận, huyện,… để hoạt động đón trả khách sai quy định, dẫn đến hình thành “bến cóc”.
Ngoài ra, tình trạng các xe khách liên tỉnh thông qua địa bàn Hà Nội lợi dụng nhu cầu đi lại của người dân gần các khu vực bến xe đã vi phạm các quy định như: chạy sai hành trình, dừng, đỗ đón trả khách sai quy định, gây ùn tắc giao thông và mất trật tự an toàn trật tự trên địa bàn.
Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp chấn chỉnh vi phạm