Bất chấp biểu tình, Bồ Đào Nha thông qua ngân sách khắc khổ

Bất chấp làn sóng phản đối của người dân, trong phiên họp chiều 27/11, Quốc hội Bồ Đào Nha đã thông qua lần cuối dự thảo ngân sách khắc khổ.

Hàng nghìn người Bồ Đào Nha đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội phản đối việc cơ quan lập pháp nước này nhóm họp để thông qua lần cuối cùng chương trình ngân sách khắc khổ cho tài khóa 2013.

Người dân Bồ Đào Nha biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ, ngày 14/11. Ảnh: AFP/TTXVN


Những người biểu tình đã mang theo nhiều biểu ngữ mang nội dung phản đối chính sách khắc khổ mà đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người dân. Đại diện Tổng liên đoàn lao động Bồ Đào Nha, công đoàn lớn nhất của quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này cho biết họ phản đối điều kiện quá ngặt nghèo của nhóm "bộ ba" chủ nợ (gồm Quĩ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Liên minh châu Âu - EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB) để đổi lấy gói cứu trợ 78 tỷ euro (101 tỷ USD) cho nước này.

Ngân sách khắc khổ chưa từng có tiền lệ, đặt mục tiêu tiết kiệm 5,3 tỷ euro (6,9 tỷ USD), trong đó 80% từ các nguồn thu thuế, đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ nhiều ngành nghề. Cuộc biểu tình diễn ra ngày 14/11 vừa qua đã biến thành xung đột bạo lực khi người biểu tình dùng gạch đá ném vào lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ.

* Trong khi đó, tại phiên giao dịch ngày 27/11, đồng euro tại thị trường châu Á đã đảo chiều đi lên so với cả đồng USD và đồng yên của Nhật Bản, khi giới đầu tư đã "thở phào" trước thông tin các bộ trưởng tài chính Eurozone và IMF đạt được thỏa thuận về việc giảm nợ và giải ngân gói cứu trợ tiếp theo cho Hy Lạp, giúp "xoa dịu" bớt mối lo về nguy cơ vỡ nợ của "xứ sở các vị thần".

Kết thúc phiên giao dịch buổi chiều tại Tokyo, đồng euro được giao dịch ở mức 1,2984 USD đổi 1 euro, tăng so với mức tương ứng 1,2971 USD/euro vào cuối phiên hôm trước (26/11) tại New York. Đồng tiền chung châu Âu cũng lên giá so với đồng yên của Nhật Bản khi tăng từ mức 106, yên/euro lên 106,79 yên/euro.

Trong khi đó, "đồng bạc xanh" cũng đi lên so với đồng nội tệ của Nhật Bản, giao dịch ở mức 82,22 yên/USD, so với mức 81,98 yên/USD của phiên trước, sau khi người đứng đầu đảng đối lập tiếp tục lên tiếng phản đối kế hoạch triển khai chương trình nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Trước đó, đồng euro phải đối diện với áp lực hạ giá do xu hướng bán tháo chốt lời của giới đầu tư. Ngoài ra, nhiều người cũng đang hướng sự chú ý vào cái gọi là "vách đá tài chính" của Mỹ, với kế hoạch tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công sẽ được áp dụng vào đầu năm 2013.

Tuy nhiên, đồng euro đã thoát khỏi đà giảm nhờ thông tin tích cực từ cuộc họp các bộ trưởng Eurozone tại Brussels (Bỉ), bởi sau nhiều giờ thảo luận, các chủ nợ của Hy Lạp đã đi đến nhất trí giảm nợ cho nước này 40 tỷ euro, nhằm đưa mức nợ của Athens xuống 124% GDP vào năm 2020. Đồng thời, Eurozone và IMF cũng đi đến quyết định triển khai đợt giải ngân 43,7 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai nhằm tái cơ cấu vốn của các ngân hàng đang chao đảo ở Hy Lạp, cũng như giúp chính phủ nước này có thể trả tiền lương, trợ cấp vào tháng 12 tới.


TTXVN/Tin tức
Biểu tình rầm rộ tại Tây Ban Nha và Hy Lạp
Biểu tình rầm rộ tại Tây Ban Nha và Hy Lạp

Ngày 17/11, hàng nghìn cảnh sát đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Mađrít của Tây Ban Nha để phản đối việc họ bị cắt giảm lương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN