Bất đồng gia tăng giữa Hy Lạp và các chủ nợ

Hy Lạp và các chủ nợ ngày 9/2 vẫn bất đồng lớn xung quanh chương trình cho vay cứu trợ trị giá 240 tỷ euro (269 tỷ USD) mà bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dành cho nước này.


Chính phủ mới của Hy Lạp vẫn không từ bỏ nỗ lực tái đàm phán gói cứu trợ, trong khi Đức và EU kêu gọi Athens phải thực tế hơn. 


Tại cuộc họp bất thường của bộ trưởng tài chính các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ngày 11/2, Chính phủ Hy Lạp dự kiến sẽ trình gói đề xuất tài chính cho giai đoạn chuyển tiếp sau khi chương trình cho vay cứu trợ đáo hạn vào ngày 28/2 tới. Athens cho biết họ không chờ đợi bước đột phá mạnh mẽ nào tại cuộc họp này. Tuy nhiên, Chính phủ Hy Lạp tin tưởng sẽ đạt được một thỏa thuận "bắc cầu" tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính Eurozone, gọi tắt là Eurogroup, ngày 16/2 này và đạt thỏa thuận cuối cùng để giải quyết vấn đề nợ Hy Lạp vào tháng Chín tới. 


Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) gặp Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng tài chính Eurozone Jeroen Dijsselbloem. Ảnh: AFP/ TTXVN


Về mặt tài chính cho giai đoạn chuyển tiếp nói trên, Athens đang nhắm tới khoản lợi nhuận 1,9 tỷ euro (khoảng 2,15 tỷ USD) từ trái phiếu của Hy Lạp mà ECB đang nắm giữ, đồng thời đề nghị nâng mức trần phát hành trái phiếu chính phủ (hiện ở mức 15 tỷ euro) thêm 8 tỷ euro.


Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận mới nào mà phía Hy Lạp mong muốn tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels ngày 12/2 tới, bất chấp việc Thủ tướng Hy Lạp bày tỏ sự lạc quan rằng hai bên có thể đi tới một thỏa hiệp tại hội nghị lần này.

Ngày 9/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng thúc giục Hy Lạp đệ trình một kế hoạch tài chính có thể chấp nhận được. Bà Merkel nhấn mạnh những quy định cơ bản của chương trình cứu trợ Hy Lạp sẽ không thay đổi và đây là cơ sở cho các cuộc thương thảo giữa đôi bên.

Phát biểu của bà Merkel cho thấy hy vọng đôi bên đạt được thỏa thuận là vô cùng mong manh, trong bối cảnh thời gian để thuyết phục EU hỗ trợ tài chính tạm thời nhằm tránh bị vỡ nợ (trong lúc chờ thương lượng một thỏa thuận mới) đang cạn dần và người ta ngày càng quan ngại về khả năng Hy Lạp sẽ không thanh toán được khoản nợ 320 tỷ euro (360 tỷ USD). Việc Hy Lạp vẫn khăng khăng bác bỏ việc gia hạn chương trình cho vay cứu trợ hiện có và ngừng một số chương trình cải cách đang làm dấy lên mối quan ngại mới về việc Hy Lạp phải rời Eurozone.


Như Mai(Tổng hợp)

Mỹ phẩm sinh học 'cứu cánh' cho kinh tế Hy Lạp
Mỹ phẩm sinh học 'cứu cánh' cho kinh tế Hy Lạp

Trong bối cảnh nền kinh tế Hy Lạp đang lâm vào khủng hoảng thì có một lĩnh vực vẫn phát triển mạnh và hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế nước này, đó là mỹ phẩm sinh học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN