Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam, nguồn tín dụng vào bất động sản đang bị siết mạnh, dự báo sắp tới sẽ còn siết chặt hơn nữa. Đặc biệt là thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn và cho vay dài hạn từ 60% xuống 40% trong vòng hai năm, từ 1/2019 tỷ lệ này đã giảm tới 40%. Bên cạnh đó, lại tăng tỷ lệ an toàn trong vay bất động sản từ 150% lên 250%.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào bất động sản đang giảm liên tục. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung đạt 12%, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản đạt 18%. Sang đến năm 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung vẫn giữ nguyên mức 12% nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản chỉ đạt 5%.
Ông Nam cho rằng, dòng vốn tín dụng rót vào thị trường bất động sản giảm đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thị trường. Hiện phần lớn nguồn vốn bất động sản đều là vốn vay ngân hàng.
Trước những khó khăn chung, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đưa ra khuyến nghị, doanh nghiệp bất động sản cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, chuẩn bị được quỹ đất, chú trọng chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án và minh bạch trong quản trị. Doanh nghiệp cần lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Châu, việc giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng đang ngày càng hạn chế vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tái cấu trúc. Qua đó, doanh nghiệp cần cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư kinh doanh để phát triển bền vững và minh bạch.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch HD Mon Holdings Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc điều chỉnh dòng vốn của ngân hàng vào lĩnh vực này là hợp lý và kịp thời. Khi tín dụng vào bất động sản được kiểm soát tốt hơn cũng giúp thị trường phát triển bền vững. Bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ cẩn trọng trong việc cơ cấu sản phẩm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, ngân hàng đang rà soát lại những gói của tư nhân, doanh nghiệp vay tiêu dùng nhưng thực chất là "đổ" vào bất động sản để hạn chế việc đầu tư bất động sản quá nhiều, tránh gây "bong bóng".
Do đó, doanh nghiệp rất khó vay được ngân hàng nếu chưa đủ thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể tìm đến các nguồn vốn khác như từ M&A (mua bán – sáp nhập), phát hành cổ phiếu, trái phiếu… để bổ sung nguồn lực.