Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre cho hay, kế hoạch thưởng Tết cho người lao động năm 2022 được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm. Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức thưởng bằng một tháng lương (lương tháng 13). Qua kết quả khảo sát các doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết năm 2022 cho người lao động, mức tiền thưởng cao nhất là hơn 147 triệu đồng/người thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (cao hơn so với năm 2021 là 15 triệu đồng); tiền thưởng thấp nhất là 200 nghìn đồng/người; mức thưởng bình quân khoảng hơn 4,8 triệu đồng/người (cao hơn mức thưởng bình quân so với năm 2021 là 187 nghìn đồng).
Theo ông Hùng, năm 2021 tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc duy trì hoạt động cầm chừng theo phương án “3 tại chỗ”. Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, nên việc thưởng Tết Nhâm Dần năm 2022 có nhiều khởi sắc so với năm 2021.
Tuy nhiên, vẫn còn một doanh nghiệp hoạt động chưa mang lại hiệu quả cao nên chưa có kế hoạch thưởng Tết hoặc không thưởng Tết cho người lao động. Bên cạnh đó, vẫn còn những doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng do chưa tổ chức hội nghị người lao động hoặc chưa thông qua hội đồng quản trị nên chưa có quyết định mức thưởng Tết cho người lao động.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức chăm lo cho gần 37.500 công nhân, viên chức, lao động bị bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh, với số tiền hơn 11 tỷ đồng từ nguồn tài chính của công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện trả lương cho người lao động mức tiền lương thấp nhất ngang bằng mức lương tối thiểu vùng, không có trường hợp trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Theo đó, mức tiền lương bình quân trên địa bàn tỉnh Bến Tre là trên 15 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước; 7 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp cổ phần, có vốn góp của nhà nước; 6,7 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp dân doanh; 5,7 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Mức tiền lương cao nhất để trả cho người lao động bao gồm các chức danh lãnh đạo: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc công ty... là gần 148 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); 101 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp dân doanh; gần 30 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước, công ty cổ phần; hơn 46 triệu đồng/người/tháng đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn có một doanh nghiệp nợ lương của người lao động; số người lao động bị nợ lương với số tiền hơn 319 triệu đồng. Nguyên nhân là do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, doanh nghiệp không tổ chức sản xuất, kinh doanh được, nên gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến việc trả lương chậm cho người lao động. Doanh nghiệp cũng đã thỏa thuận với người lao động và người lao động đồng ý chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, thống nhất cho doanh nghiệp trả chậm số tiền lương mà doanh nghiệp nợ.