Bình Dương với vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam, tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu với tốc độ phát triển đô thị đạt 87% và tổng ngân sách trên địa bàn (GRDP) địa phương tăng 8,01% trong năm 2024. Theo thống kê, tỉnh đã thu hút 1, tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023, qua đó vươn lên vị trí thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI, chỉ sau TP Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, với 29 khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt 93,3%, cùng 12 cụm công nghiệp đạt tỷ lệ 67,4%, Bình Dương tiếp tục khẳng định tiềm năng trở thành trung tâm logistics và bất động sản công nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung vào các chủ đề trọng tâm như: Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050: Bình Dương hướng tới trở thành đô thị thông minh, phát triển bền vững, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 88 - 90% và GRDP bình quân đầu người đạt 15.800 USD vào năm 2030.
Về thị trường bất động sản Đông Nam Bộ năm 2025, với việc TP Hồ Chí Minh đang khan hiếm nguồn cung căn hộ, Bình Dương nổi lên là lựa chọn thay thế hấp dẫn nhờ quỹ đất dồi dào, hệ thống giao thông đồng bộ, và chi phí cạnh tranh.
Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý nhà Toàn Cầu chia sẻ: Quy trình quản lý tòa nhà chuyên nghiệp. Đặc biệt, xu hướng ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành nhà chung cư đã được nhấn mạnh. Các giải pháp như hệ thống quản lý thông minh, tối ưu hóa năng lượng và tích hợp tiện ích số không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm sống của cư dân mà còn tạo giá trị bền vững cho dự án bất động sản.
Hội thảo cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến bất động sản logistics - lĩnh vực đang trở thành “điểm nóng” trong bối cảnh thương mại điện tử và chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng phát triển. Bà Huỳnh Đinh Thái Linh- Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương cho hay: Các khu thương mại tự do, cùng sự tích hợp giữa logistics và khu công nghiệp được coi là cơ hội vàng để Bình Dương gia tăng năng lực cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bất động sản tích hợp logistics công nghiệp cũng là một chủ đề quan trọng được bàn luận. Các chuyên gia từ Hiệp hội Logistics đã khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Báo cáo về khai thác khu thương mại tự do được xem là cơ hội vàng để thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ logistics quốc tế.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Ban tổ chức và Công ty Savista nhằm mở ra triển vọng hợp tác trong lĩnh vực bất động sản và quản lý vận hành. Sự kiện không chỉ tạo ra cơ hội kết nối mà còn là bước đi quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế - công nghiệp hiện đại, đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực và cả nước.
Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu phát triển dựa trên mô hình kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Hạ tầng giao thông, đô thị, và dịch vụ sẽ tiếp tục được đầu tư đồng bộ để không chỉ thu hút nguồn lực trong nước mà còn nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Cao Phúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Bình Dương nhấn mạnh: Hiệp hội hy vọng qua đây sẽ mở ra nhiều ý tưởng mới, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản và logistics công nghiệp tại Bình Dương, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Hội thảo không chỉ dừng lại ở các giải pháp thực tiễn mà còn là bước khởi đầu cho sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Với vị trí chiến lược, hạ tầng hiện đại cùng những chính sách hấp dẫn, Bình Dương tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội mới cho ngành bất động sản và logistics công nghiệp trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số.