Bình Dương ưu tiên phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội ở vùng xanh

Ngày 15/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã có những động thái cũng như các kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, giai đoạn 1 từ ngày 15/9 - 31/10, tỉnh Bình Dương ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các vùng xanh.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May Accasette Garment, vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc), tại khu công nghiệp Sóng Thần 3 (Bình Dương). Ảnh minh họa: Danh Lam/ TTXVN

Ưu tiên phục hồi kinh tế

Với dân số trên 2,5 triệu người; đã xuất hiện ca dương tính ngoài cộng đồng đầu tiên vào ngày 31/01; lũy kế đến nay (tính đến 17 giờ ngày 14/9) tỉnh Bình Dương đã có 162.847 ca lây mắc COVID-19 trong cộng đồng ở 9/9 huyện, thị, thành phố, 119.300 bệnh nhân khỏi bệnh và 1.461 ca tử vong; hiện còn 36.988 người đang cách ly y tế tập trung và 13.013 người đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú; đã tổ chức 3 đợt xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho gần 6,5 triệu lượt người; phần lớn các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát; đã tổ chức tiêm vaccine được 1.939.9 liều.

Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, giai đoạn 1 từ ngày 15/9 - 31/10, tỉnh Bình Dương ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các vùng xanh gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và Thành phố Thủ Dầu Một; tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt vùng đỏ, điểm đỏ; mở rộng vùng xanh; thần tốc xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Đối với tổ chức sản xuất kinh doanh và lưu thông, Bình Dương thực hiện theo quy định tại công văn số 4547/UBND-VX ngày 09/9/2021 của UBND tỉnh về việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới và công văn số 4593/UBND-VX ngày 10/9/2021 của UBND tỉnh về phương án lưu thông liên huyện vùng xanh trên địa bàn huyện phía Bắc.

Giai đoạn 2, sẽ bắt đầu từ sau 31/10, nếu vaccine được cung cấp liên tục, đầy đủ, khoảng đầu tháng 10/2021, Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine cho toàn bộ người dân trong tỉnh. Sau 15 ngày để vaccine phát huy tác dụng là khoảng ngày 31/10 sẽ cơ bản đạt miễn nhiễm cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Lộc Hà, trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng: mở cửa lại các hoạt động kinh tế xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như: karaoke, vũ trường, quán bar, massage... (giao ngành y tế và các ngành có liên quan tham mưu danh mục cụ thể).  Nếu diễn biến dịch xấu hơn, tỉnh sẽ tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành Y tế, sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.

Giai đoạn 3, sau ngày 31/12, nếu kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng: mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động.

Tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu sản xuất, kinh doanh an toàn, theo tinh thần an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn theo quy định của Bộ Y tế;  đảm bảo các phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” và hướng dẫn thực hiện mô hình 3 xanh “nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh” tại khu vực “vùng xanh” trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy và đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; trường hợp không đảm bảo an toàn thì kiên quyết tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung cho phòng, chống dịch; đồng thời, bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt và quan tâm các lĩnh vực kinh tế xã hội, các hoạt động quan trọng khác trên địa bàn nhất là tại xã, phường, thị trấn.

Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đối với các doanh nghiệp đã đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết để hoạt động trở lại, mức độ sử dụng lao động trong giai đoạn này tương ứng với tỷ lệ người lao động đã tiêm mũi 2 được hai tuần hoặc đã tiêm mũi 1 được bốn tuần và được xét nghiệm định kỳ. Khi doanh nghiệp nào đã xây dựng phương án đáp ứng tất cả các yêu cầu một cách bền vững, họ có thể chuyển qua giai đoạn.

Doanh nghiệp không được bước vào giai đoạn 2 cho đến khi xác định được hoạt động ở mức 30% đang vận hành tốt và sẵn sàng để tăng mức sản xuất. Giai đoạn 2 nâng công suất lên tối đa 50%. Giai đoạn 3, nâng công suất lên tối đa 70% cho đến khi được phép hoạt động lại 100% công suất.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Tỉnh cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.

Tỉnh chủ động triển khai đến doanh nghiệp với thủ tục rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để được hưởng các chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Bên cạnh đó, theo dõi và chủ động nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các nội dung kiến nghị Chính phủ về chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là sự kiện bất khả kháng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ nghiên cứu, kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hoãn nộp và giữ nguyên quyền lợi của người lao động bảo hiểm xã hội đến tháng 6/2022.

Với các doanh nghiệp có lao động nước ngoài nhập cảnh làm việc, sau 15/9/2021 giảm thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, tỉnh cũng tiếp tục thống kê tình hình lao động, xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động trong các doanh nghiệp; có giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế; nghiên cứu bổ sung các chính sách thuộc thẩm quyền và phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Hội chợ, kênh thương mại trực tuyến để xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới.

Tỉnh khuyến khích các đơn vị liên quan đến dịch vụ logistics, tài chính, thuế, hải quan... cải tiến và nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời, tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản  xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Mặc khác, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu; khai thác tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm giới thiệu, quảng bá và xúc tiến xuất khẩu cho những nhóm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; kết nối với các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài có uy tín.

Hiện, toàn tỉnh Bình Dương hiện có 56.099 dự án đầu tư với 52.117 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong nước và 3.982 dự án đầu tư nước ngoài; trong đó, có 3.9 doanh nghiệp đăng ký tổ chức cho người lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ” với tổng số lao động là 429.693 người. Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, đã có 794 doanh nghiệp phát sinh dịch bệnh COVID-19 với 11.266 ca nghi nhiễm và F0, đã có 64 doanh nghiệp với 17.342 công nhân đã hoạt động trở lại do đã kiểm soát được dịch bệnh. Hiện, còn 3.019 doanh nghiệp tiếp tục hoạt động theo phương án đã đăng ký.

Huyền Trang (TTXVN)
Bình Dương giảm mạnh ca nhiễm, nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19
Bình Dương giảm mạnh ca nhiễm, nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19

Ngày 14/9, Bình Dương ghi nhận thêm 2.178 số ca mắc COVID-19, giảm 40,3% so với ngày 13/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN