Báo cáo nêu rõ, trong từng thời điểm theo diễn biến của thiên tai, Bộ đều ban hành các công điện chỉ đạo; các đơn vị thuộc Bộ theo lĩnh vực, nhiệm vụ được giao đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai những nội dung cấp bách, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Cùng với đó, các đơn vị đã hỗ trợ, giúp đỡ địa phương ứng phó nhanh nhất, tốt nhất với các hình thái, tình huống thiên tai đã xảy ra từ ngày 7/ 10 đến nay; trong đó nổi bật là Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước.
Ngoài ra, Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ đã tham gia tất cả các cuộc họp của Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để tham mưu cho các cấp và chủ động triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực công thương kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt, Văn phòng thường trực còn theo sát diễn biến của thiên tai, chủ động cử các đoàn công tác đến các địa phương để hỗ trợ; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị công thương trên địa bàn ứng phó an toàn, hiệu quả.
Mặt khác, tham gia các đoàn công tác của Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để tham mưu, tiếp nhận các ý kiến chỉ đạo để từ đó triển khai nhanh nhất đến các đơn vị.
Đáng lưu ý, Văn phòng thường trực đã tổ chức trực ban 24/24 giờ, liên tục cập nhật, nắm bắt thông tin từ cơ sở để tham mưu lãnh đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, theo dõi việc vận hành các hồ chứa thủy điện; tình hình cung ứng hàng hóa và biến động của thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của thiên tai để báo cáo, tham mưu chỉ đạo ứng phó tốt nhất các tình huống, khắc phục nhanh nhất hậu quả, từ đó sớm đưa sản xuất ổn định trở lại.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường tại các tỉnh Duyên hải Miền Trung từ Nghệ An đến Khánh Hòa và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên cơ bản đã hoạt động ổn định trở lại, các siêu thị, của hàng tiện lợi ở khu đô thị, chợ truyền thống ở nông thôn đã được khôi phục, góp phần cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, đồ điện, điện tử, thiết bị, đồ gia dụng và các loại thuốc tân dược, trang thiết bị y tế... đã trở về ổn định ở mức trước khi bão lũ.
Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường đã làm việc ở chế độ tăng cường để tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh bình ổn giá hàng hóa; tuân thủ các quy định của pháp luật; đẩy mạnh kiểm tra; kiểm soát chặt chẽ, xử phạt nghiêm các hành vi phi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại nhằm bình ổn thị trường.
Đặc biệt, các chủ hồ đang vận hành theo quy trình được duyệt, các hồ nhỏ vận hành bình thường, các hồ còn dung tích chứa vận hành tích nước cho sản xuất ở cuối mùa bão lũ.
Đến nay, các xã đều đã đóng điện, chỉ còn cắt điện tại các thôn, khu ngập lụt nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn.
Như vậy, kể từ khi mưa bão gây ngập lụt tại các tỉnh miền Trung (từ đầu tháng 10/2020), đến chiều 17/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho tất cả các tỉnh Duyên hải miền Trung từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên với tổng số 1.435 xã.