Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu trước mắt khu vực nông nghiệp phải đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất, đảm bảo lương thực, thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán cho người dân, không để nơi nào có người dân bị đói, thiếu nước sạch; đồng thời, các đơn vị cùng địa phương khẩn trương tập trung tạo sinh kế cho người dân.
Đối với trồng trọt, đẩy nhanh đưa vào sản xuất rau màu, các loại cây trồng ngắn ngày để vừa tạo sinh kế vừa tạo nguồn thực phẩm. Nơi nào có điều kiện trồng thì phải trồng ngay và tính toán trên cơ sở nhu cầu của từng địa phương để có các phương án hỗ trợ hạt giống cụ thể. Đặc biệt, Cục Trồng trọt phải chuẩn bị các phương án cho vụ Đông Xuân tới để thâm canh, tăng năng suất, chất lượng để bù vào những thiệt hại vừa qua, nhất là khoảng 3.000 ha sản xuất lúa bị đất đá vùi lấp cần có phương án phục hồi hoặc chuyển đổi sản xuất.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau mưa lũ cần lưu ý vấn đề môi trường dịch bệnh trong nông nghiệp, đặc biệt là dịch bệnh trong chăn nuôi như: dịch tả lợi châu Phi, lở mồm long móng.
Đối với thủy sản, chỗ nào tái sản xuất được thì hỗ trợ, còn chưa sản xuất được thì tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường để tránh gây thiệt hại thêm cho người dân.
Từ ngày 5/10 đến nay, tại các tỉnh miền Trung liên tiếp xảy ra các cơn bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp gió mùa tăng cường gây ra mưa lớn kéo dài gây lũ lụt trên diện rộng, sạt lở đất làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế và sản xuất của nhân dân.
Nhằm hỗ trợ các địa phương phục hồi sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất cấp gần 39 tấn hạt giống cây trồng gồm: giống ngô, rau các loại từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho một số tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do mưa bão.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, các địa phương cần khẩn trương phân bổ các giống cây trồng đã được hỗ trợ để người dân tranh thủ gieo trồng trên những diện tích có thể gieo trồng được; đồng thời, tập trung rà soát đánh giá hiện trạng sản xuất lúa bị ảnh hưởng, có biện pháp khắc phục, cải tạo đồng ruộng, khôi phục hệ thống thủy lợi nhằm kịp thời đưa giống vào gieo trồng vụ Đông Xuân tới.
Về thủy sản, theo báo cáo sơ bộ ban đầu của các địa phương, tính đến ngày 16/11, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 9.931/.340 ha (chiếm 25,9% diện tích đang nuôi), 2.180 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại do nước ngọt đổ về (chiếm 2,3% tổng số ô lồng đang nuôi), 39 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại, giá trị thiệt hại khoảng 474 tỷ đồng.
Để hỗ trợ nhanh người dân phục hồi sản xuất, Tổng cục Thủy sản đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ trên 76 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 150 tấn thức ăn hỗn hợp nuôi tôm nước lợ, 15 tấn sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, với trị giá 71 tỷ đồng. Trước mắt, Bộ đã tổ chức hỗ trợ tại các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Tổng cục Thủy sản cũng đã phối hợp với Cục Thú y và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức 10 lớp tập huấn tại 5 tỉnh cho người dân nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi mưa bão về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Cục Thú y, tính đến ngày 13/11/2020, căn cứ đề nghị của các địa phương bị thiệt hại do mưa bão và căn cứ tình hình thực tế, Cục đã trình Bộ xuất cấp tổng cộng 290.000 liều vắc xin các loại, 140.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và 225 tấn hóa chất xử lý môi trường phòng, chống dịch bệnh thủy sản từ nguồn dự trữ quốc gia cho 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và Đà Nẵng, ước tính khoảng 39,4 tỷ đồng.
Các địa phương đã tiếp nhận và cấp cho các địa phương tiến hành tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và các vùng nguy cơ. Các Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã hướng dẫn phương pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng và xử lý sự cố hố chôn gia súc, gia cầm trong mùa mưa lũ; phối hợp với chính quyền cấp cơ sở kiểm tra các hố chôn gia súc gia cầm bệnh trên địa bàn. Đến nay, người dân đã thực hiện vệ sinh cơ giới chuồng trại: thu gom chất độn chuồng, xử lý rác thải….
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, với tinh thần nước rút đến đâu xử lý môi trường, tiêu độc khử trùng đến đó để đảm bảo an toàn dịch bệnh, chuẩn bị cho tái sản xuất; đồng thời, chủ động phối hợp với địa phương để chuyển con giống tới người dân, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình sản xuất an toàn.
Để có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân miền Trung phục hồi sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất vào ngày 28/11 tới tại Quảng Trị.