Một góc nhà máy cung cấp khí Cà Mau. Ảnh: Hà Thái/TTXVN |
Hiện tại dự thảo Nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016/NĐ-CP đã qua hết các bước thẩm định và sẽ được trình lên Chính phủ trong một vài ngày tới.
Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Kế đó, ngày 21/9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/ 12/ 2015 của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
Ngoài ra, để triển khai ngay Quyết định 3610a/QĐ-BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3696/QĐ-BCT ngày 26/9 về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Tại Quyết định này, Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm rà soát nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh đã được đề xuất bãi bỏ tại Quyết định 3610a/QĐ-BCT liên quan đến quy định của các Luật, Nghị định của Chính phủ nhằm mục tiêu đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Đối với lĩnh vực kinh doanh khí, Bộ Công Thương đã soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét.
Quá trình xây dựng Nghị định được tiến hành như sau: Ngày 6/2, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký ban hành Quyết định số 337/QĐ-BCT thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí.
Bộ Công Thương tổ chức họp lấy ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập là đại diện các Bộ/ngành và các đơn vị có liên quan để hoàn chỉnh Dự thảo 1 Nghị định. Sau khi tiếp nhận các góp ý của các thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập, Bộ Công Thương đã tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện Dự thảo 2 Nghị định kinh doanh khí.
Cùng đó, dự thảo 2 đã được đăng trên website của Chính phủ và website của Bộ Công Thương để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với VCCI tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Không những vậy, dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ/ngành có liên quan, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan, Bộ Công Thương hoàn thiện Dự thảo Nghị định về kinh doanh khí.
Ngày 4/8, Bộ Công Thương có công văn số 7028/BCT-PC gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí.
Tiếp theo, ngày 24/8, Bộ Tư pháp có công văn số 233/BC-BTP gửi Bộ Công Thương Báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí.
Trong quá trình soạn thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thông qua nhiều hình thức như hội thảo, gửi trực tiếp dự thảo, đưa dự thảo lên website của Bộ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy, tính đến thời điểm này, dự thảo Nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19 đã qua hết các bước thẩm định và sẽ được trình lên Chính phủ trong một vài ngày tới.
Quan điểm của Bộ Công Thương là các hoạt động kinh doanh khí gắn liền với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân như bồn chứa khí, chai LPG, đường ống, trạm nạp, trạm cấp, trạm nén, các cơ sở sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG, chai LPG mini tiềm ẩn, chứa đựng nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng, tác động đến môi trường cần được kiểm soát.
Hiện nay, theo Nghị định 19/2016/NĐ-CP chỉ trú trọng đến quản lý, quy định các điều kiện kinh doanh chưa tập trung quy định các điều kiện liên quan đến an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.
Do vậy, việc quản lý hoạt động kinh doanh khí sẽ theo hướng tập trung vào các yêu cầu liên quan đến an toàn đối với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đây cũng là cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác hậu kiểm trong lĩnh vực này và mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.