Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định“đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý” là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021; trong đó, đã nêu rõ quan điểm: “Huy động mọi nguồn lực để đầu tư pháttriển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc; đẩy mạnh hình thức PPP (hợp tác công tư); trong đó, vốn nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong việc huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho các địa phương”.
Hiện nay, việc giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP đã được pháp luật cho phép. Trong thực tế, một số địa phương được giao quản lý, triển khai đầu tư đường bộ cao tốc đã tạo được tính chủ động, kịp thời trong giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh về giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, công tác thu phí hoàn vốn...
Theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP): “Trường hợp dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này hoặc trong trường hợp thay đổi cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền”.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ đối với đường quốc lộ, cao tốc trên cả nước. Bộ Giao thông Vận tải triển khai tổng thể dự án để đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật đầu tư, luật ngân sách nhà nước.
Do vậy, việc đề xuất giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đã vượt thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải, cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về tiến trình đầu tư dự án, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Gò Dầu - Xa Mát có điểm đầu kết nối với đường bộ cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, điểm cuối tại cửa khẩu Xa Mát (tỉnh Tây Ninh), chiều dài dự kiến 65 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình thực hiện, quy hoạch đã xác định đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
“Do vậy, trường hợp UBND tỉnh Tây Ninh huy động được nguồn vốn đầu tư dự án, để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật PPP, UBND tỉnh Tây Ninh cần báo cáoThủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc giao cơ quan có thẩm quyền, Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm.
Trước đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao tỉnh này làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn 1, thực hiện đoạn Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh trong giai đoạn 2021-2030.
UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (CT.32), chiều dài khoảng 65 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Đây là trục giao thông chính chạy dọc từ Bắc xuống Nam của tỉnh Tây Ninh, kết nối với tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài tuyến đang được Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh phối hợp thực hiện, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2025.
Tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát khi hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông kết nối Tây Ninh (các khu vực thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng và các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên) và các cửa khẩu phía Bắc của tỉnh Tây Ninh bao gồm 2 cửa khẩu quốc tế: Xa Mát, Tân Nam, 2 cửa khẩu chính: Chàng Riệc, Kà Tum và nhiều cửa khẩu phụ với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định, việc nghiên cứu và đầu tư sớm tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả nước, của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.