Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam chỉ đạo hệ thống Đài thông tin Duyên hải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Đối với Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đơn vị này chỉ đạo các cảng vụ hàng hải nắm chắc số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại cảng, vùng nước và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn.
Đặc biệt, các cảng vụ không cấp phép cho tàu rời cảng có hướng hành trình đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão, đặc biệt đối với các tàu vận tải, du lịch. Đồng thời, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cảng, bến, con người hoạt động trong phạm vi quản lý.
Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Trong khi đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chỉ đạo các Cảng vụ đường thủy nắm chắc số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại cảng, vùng nước và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn, không cấp phép cho tàu rời cảng có hướng hành trình đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông ở những vị trí trọng yếu, đảm bảo giao thông thủy an toàn.
Đối với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khắc phục các sự cố công trình; phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đang thi công và xây dựng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các Cục quản lý đường bộ khu vực chịu ảnh hưởng của bão, rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt; tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ; kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu… để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.
Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực ứng trực sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; trong đó, cần đặc biệt chú ý các công trình ở khu vực hay có lũ đột xuất.
Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác an toàn bay, không cho phép máy bay cất hạ cánh khi có tình huống xấu của thời tiết trong khu vực bị ảnh hưởng của bão.
Trong khi đó, các Sở Giao thông Vận tải được Bộ Giao thông vận tải yêu cầu có nhiệm vụ rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt tiến hành khắc phục sự cố do mưa, bão, lũ gây ra, tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ ủy thác và đường địa phương…