Bỏ giấy phép con để cải thiện môi trường kinh doanh

Khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam phải tuân thủ các quy định về thể chế kinh tế thị trường, nhất là về tự do kinh doanh.


Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vẫn còn rất nhiều giấy phép con đang tồn tại, gây cản trở đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với TS Bùi Quang Tín (ảnh), Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh.


Thưa ông, TPP yêu cầu các nước xây dựng một môi trường chính sách theo hướng thông thoáng, bình đẳng và minh bạch để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của DN. Đối với vấn đề này, thể chế pháp luật của nước ta đã đáp ứng được ra sao?

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực cải cách thể chế kinh tế mà biểu hiện rõ nhất là tinh thần tự do kinh doanh của Hiến pháp năm 2013 và các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới cũng thông thoáng hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải thay đổi được tư duy về quản lý của bộ máy thực thi. Sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 (sửa đổi) có hiệu lực, đã xuất hiện trở lại “giấy phép con”. Một số bộ, ngành địa phương cũng chưa quyết liệt trong việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh.

Ví dụ như, theo quy định của Bộ luật Dân sự, giao dịch chuyển nhượng nhà đất liên quan đến bất động sản phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới có hiệu lực. Nhưng Luật Xây dựng lại quy định, giao dịch mua bán nhà có giá trị ngay tại thời điểm công chứng, tức là trước thời điểm đăng ký với cơ quan Nhà nước. Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sự xung đột như vậy là khá nhiều và đương nhiên ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của người dân, DN.

Một ví dụ khác là trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng, để thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) bằng việc quy định lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu; ấn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc; áp dụng chế độ kiểm soát đặc biệt... Những can thiệp này từ phía NHNN vào hoạt động kinh doanh ngân hàng là cần thiết nhưng chính điều đó có thể làm hạn chế một phần quyền tự do kinh doanh, trong đó bao hàm cả quyền tự do cạnh tranh của các tổ chức tín dụng. Sự can thiệp của cơ quan công quyền đặc biệt này còn có thể tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho một vài TCTD so với các đối thủ khác trên thị trường, và điều đó dường như có ảnh hưởng không tốt đến sự vận hành bình thường của quy luật cạnh tranh.

Vậy, chúng ta cần phải cải cách môi trường kinh doanh như thế nào cho phù hợp với các quy định của TPP?

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mặc dù môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đã có sự cải thiện nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn còn thấp. Xếp hạng của báo cáo thường niên Môi trường kinh doanh (Doing Business Report) của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ rõ, chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2015 là 78/189, tụt 6 bậc so với năm 2014, trong khi Singapore xếp thứ 1, Malaysia thứ 18, Thái Lan thứ 26. Còn theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới về năng lực cạnh tranh, Singapore xếp thứ 2, Malaysia thứ 20, Thái Lan thứ 31, Indonesia thứ 34, Philippines thứ 52, Việt Nam thứ .

Trong năm nay và năm 2016, với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực thi hành, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) hình thành và TPP có khả năng ký kết, nước ta hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trước, cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Chính vì thế, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của DN là yêu cầu bức thiết, là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản mà mỗi bộ, ngành phải quan tâm thực hiện.

Trên thực tế, liên tục trong 2 năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với những chỉ tiêu và biện pháp rất cụ thể. Trong đó, đặc biệt là các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập và giải thể DN...

Thế nhưng, thực tế đáng buồn là nhiều chủ trương, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh của Nhà nước chậm đi vào DN, nhiều văn bản trái thẩm quyền vẫn được ban hành, nhiều “giấy phép con”, rồi “giấy phép cháu” tiếp tục xuất hiện. Nguyên nhân một phần là do một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Mặt khác, một số cam kết của các bộ, cơ quan, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh chậm được triển khai đến cấp cơ sở, DN.

Để cải thiện vấn đề này, trước mắt chúng ta phải có cơ chế theo dõi, giám sát việc soạn thảo, thẩm định, ban hành và thi hành văn bản; kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những yếu kém, những vi phạm của các bộ, ngành thông qua sự giám sát trong nội bộ mỗi bộ, ngành và giám sát chéo giữa các ngành lập pháp, tư pháp, hành pháp; giám sát của dân, của các tổ chức xã hội. Sự giám sát có hiệu lực sẽ bảo đảm tính trong sạch, lành mạnh của bộ máy nhà nước, phục vụ tốt sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thực hiện những cam kết vể cải cách thể chế kinh tế theo quy định của TPP là điều cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng như của cả nền kinh tế.

Hải Yên (thực hiện)
TPP và Năng lượng có mối liên hệ gián tiếp
TPP và Năng lượng có mối liên hệ gián tiếp

Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Thomas Countryman (phụ trách vấn đề hợp tác hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt) đã có trao đổi về hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong lĩnh vực hạt nhân dân sự cũng như kiểm soát thương mại trong tiến trình hướng đến thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN