Bộ Giao thông vận tải giao các Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 6, Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lập danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ thuộc dự án, dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải quản lý, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ các đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
"Các Ban quản lý dự án chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện khảo sát, nghiên cứu kỹ điều kiện cụ thể khu vực xây dựng trạm dừng nghỉ để chuẩn xác quy mô trạm dừng nghỉ và các hạng mục công trình trạm dừng nghỉ bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp với quy định của pháp luật", Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Đối với các trạm dừng nghỉ thuộc dự án đường bộ cao tốc do địa phương quản lý, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, việc lựa chọn nhà đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ do địa phương tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải cũng chuyển trạm dừng nghỉ tại Km12+00 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành thành điểm dừng xe. Đối với 2 trạm dừng nghỉ tại Km36+00 và Km96+100 thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trước mắt điều chỉnh thành điểm dừng xe, việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ sẽ thực hiện vào thời điểm thích hợp khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng và khai thác hiệu quả.
Bộ Giao thông vận tải cũng giao Cục Đường bộ Việt Nam cập nhật mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, theo quy định lái xe 4 giờ phải nghỉ ngơi thì phải có điểm dừng nghỉ cho lái xe, nhất là trên cao tốc. Ngoài ra, trạm dừng còn phục vụ kỹ thuật, cung cấp xăng, thay lốp để đảm bảo an toàn cho phương tiện.
“Việc di chuyển trên một tuyến đường dài sẽ không tránh được những lúc mệt mỏi, hay phương tiện di chuyển gặp vấn đề. Trạm dừng nghỉ không chỉ giúp phục vụ nhu cầu cá nhân của chủ phương tiện mà còn để đảm bảo an toàn giao thông", ông Nguyễn Văn Quyền cho hay.
Theo Bộ Giao thông vận tải, các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ bao gồm các công trình dịch vụ công được cung cấp miễn phí như: Bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, nơi cung cấp thông tin. Bên cạnh đó là công trình dịch vụ thương mại như khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú qua đêm.
Theo tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN 5729:2012, trên các tuyến đường bộ cao tốc sẽ bố trí các trạm dừng nghỉ thông thường với khoảng cách từ 50 km đến 60 km và các trạm dừng nghỉ lớn với khoảng từ 120 km đến 200 km.