Xin Bộ trưởng nhận định về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay?
Trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành “Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up)”. Thời gian gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy đổi mới, sáng tạo đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ toàn cầu, khởi nghiệp mà đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giải quyết những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh để đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia nói riêng và của khu vực nói chung. Khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm mầm, nuôi dưỡng và thúc đẩy phát triển trong một hệ sinh thái thuận lợi.
Trong đó, vai trò kiến tạo của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ phù hợp; nguồn lực tài chính từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, các định chế tài chính công - tư; hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; vai trò của các trường đại học trong cung cấp nguồn ý tưởng và nhân lực khởi nghiệp chất lượng cao; thị trường cho khởi nghiệp với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn và yếu tố văn hóa - văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích người trẻ dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi ý tưởng sáng tạo và dám chấp nhận rủi ro, thất bại để đến đích thành công.
Với nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, một thị trường năng động, nhiều tiềm năng, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Nhiều công ty khởi nghiệp có mức độ công nghệ và đổi mới sáng tạo cao, không lặp lại các mô hình và ý tưởng kinh doanh đã được triển khai ở các quốc gia khác. Nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam đang vươn ra khu vực và thế giới, nhận được đầu tư của nhiều dòng vốn quốc tế. Điển hình như ABIVIN đã trở thành nhà vô địch của cuộc thi World Cup Start-up năm 2019 với giải thưởng trị giá 1 triệu USD. Mặc dù vậy, đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều dư địa chưa được khai thác, tận dụng để phát triển.
Để thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và thực hiện nhiều chính sách, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đổi mới sáng tạo phát triển. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và kết nối các nhân tài Việt Nam thông qua Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, qua đó đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong nước.
Với quyết tâm và sự ủng hộ của Chính phủ, vai trò điều phối, tạo dựng hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách hỗ trợ, Việt Nam đã có những nỗ lực như thế nào trong việc xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, thưa Bộ trưởng?
Với quyết tâm và sự ủng hộ của Chính phủ, thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã được quan tâm phát triển mạnh cả về chính sách, hạ tầng, thiết chế tài chính và dịch vụ hỗ trợ cùng với văn hóa khởi nghiệp sáng tạo ngày càng được khuyến khích mạnh mẽ trong giới trẻ. Bên cạnh đó, với vai trò điều phối, tạo dựng hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách hỗ trợ, Việt Nam đã nỗ lực trong xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái, điển hình như: Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), chương trình đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngay từ khi “đổi mới sáng tạo”, “khởi nghiệp sáng tạo” và “hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” còn là các khái niệm rất mới mẻ ở Việt Nam.
Chương trình IPP đã đặt những nền móng đầu tiên cho sự phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững ở Việt Nam thông qua hỗ trợ chuyên gia xây dựng các chính sách lớn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; bồi dưỡng năng lực về quản trị khởi nghiệp sáng tạo cho hàng trăm cán bộ quản lý ở các bộ, ngành và địa phương; đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo cho hơn 50 trường đại học trong cả nước; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp Bắc Âu và Đông Nam Á.
Đặc biệt, triển khai thành công mô hình tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh nuôi giấc mơ chinh phục thế giới (Go Global). Điển hình là ABIVIN - doanh nghiệp khởi nghiệp Việt vừa giành Giải thưởng khởi nghiệp toàn cầu ở Hoa Kỳ 1 triệu USD - là nhóm khởi nghiệp được IPP hỗ trợ tài chính và đào tạo khởi nghiệp ban đầu ngay từ khi mới hình thành ý tưởng, thậm chí chưa thành lập doanh nghiệp.
Thành công của ABIVIN cho thấy vai trò "bà đỡ" từ Chính phủ vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp để vượt qua Thung lũng chết (Valley of Death) và bản thân Nhà nước, các cơ quan Chính phủ phải dũng cảm đổi mới tư duy, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và hướng các nhóm khởi nghiệp trẻ mơ giấc mơ lớn, “Go Global” ngay từ giai đoạn tiền khởi nghiệp.
Ngoài ra, tháng 5/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV - Vietnam Silicon Valley). Đây là sáng kiến ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mô hình học tập từ Hoa Kỳ, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp lên kế hoạch kinh doanh, kết nối với khách hàng lẫn nhà đầu tư tiềm năng, nhận được vốn tài trợ để biến những ý tưởng của họ thành hiện thực.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ còn triển khai một số chương trình, đề án nổi bật khác như: Dự án BIPP tài trợ bởi Chính phủ Bỉ, hỗ trợ các vườn ươm khởi nghiệp; Dự án VCIC tài trợ bởi World Bank, Chính phủ Australia, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), đánh dấu một động thái quyết liệt hơn của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp theo đó là sự ra đời của các Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939).
Để hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tham mưu, xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và các văn bản hướng dẫn với các nội dung: Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bằng việc miễn, giảm thuế, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật; quy định việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về cơ sở vật chất, đào tạo - huấn luyện, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực …; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn từ khoản thu nhập từ khoản đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; quy định chi tiết về việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo và việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!