Đây được xem là bước tiếp theo trong công cuộc “cởi trói” cho hạt gạo suốt thời gian dài bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục và điều kiện. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, sức cạnh tranh yếu, sản lượng sụt giảm, việc xóa bỏ những thủ tục gây khó cho doanh nghiệp là việc không thể không làm. Đồng thời còn nhằm tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp giúp họ tiếp cận thị trường tốt hơn.
Quyết định cũng nêu rõ Ban soạn thảo sẽ do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh làm Trưởng ban soạn thảo; Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) làm Thường trực Ban soạn thảo.
Bốc xếp gạo xuất khẩu của Tổng công ty Lương thực miền Nam tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Vũ Sinh /TTXVN |
Thành viên của Ban soạn thảo sẽ gồm lãnh đạo các Vụ/cục thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu Tư, Tài chính, Tư Pháp, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Công Thương có liên quan… Ngoài ra, lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và đại diện của 19 tỉnh thành; trong đó có TP Hồ Chí Minh, Thái Bình, Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng… cùng tham gia Ban soạn thảo.
Cũng theo Quyết định này, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Phan Văn Chinh sẽ làm tổ trưởng, các thành viên tham gia là các đại diện đến từ Văn phòng Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đại diện các cục vụ thuộc Bộ Công Thương…Việc sửa đổi Nghị định sẽ được tiến hành khẩn trương quyết liệt để báo cáo Chính phủ trong Quý II/2017.
Dự kiến trong dự thảo sửa đổi sẽ có điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hội nhập sâu và hiệu quả với thị trường thế giới đặc biệt trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang ngày càng khó khăn, thị trường do người mua quyết định cũng như tình trạng mất cân đối cung - cầu bắt buộc phải tính toán để giải phóng lực lượng sản xuất nhất là các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường thế giới.
Cùng với đó, các ngành chức năng sẽ có những đánh giá lại thị trường để tìm ra những điểm mạnh và hạn chế trong việc cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo khác, từ đó có những định hướng về thị trường tốt hơn, nghiên cứu các giải pháp để hình thành các chuỗi và có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân với doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu.