Tại Hội nghị quốc tế về phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức ngày 4/12 tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành hồ tiêu toàn cầu đang rơi vào thời điểm đặc biệt khi 3 lần liên tục giảm giá đến mức bằng giá thành, gây bị động và rủi ro cho người nông dân, đơn vị tham gia chuỗi sản phẩm và các nhà phân phối.
Cụ thể, trong vòng 5 - 7 năm qua, diện tích hồ tiêu trên toàn thế giới tăng 3 lần (đạt 480.000 ha), giá trị hạ thấp 4 lần, giá tiêu khô có giá 250.000 đồng/kg giảm xuống còn 58.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do loạn thị trường, phát triển không theo quy hoạch, không đi vào quỹ đạo, phát triển không bền vững.
Việt Nam hiện chiếm 1/3 diện tích và 1/2 sản lượng hồ tiêu của cả thế giới. Diện tích hồ tiêu của Việt Nam đang ở mức 152.000 ha và phải giảm xuống tại những vùng mà ngành hồ tiêu phát triển trái quy luật, khiên cưỡng, năng suất và chất lượng không cao. Lọc ra chỉ còn 2 vùng sinh thái hồ tiêu là 5 tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh Đông Nam Bộ, vì quỹ đất và khí hậu nơi đây rất tốt.
“Việt Nam không có chủ trương tăng diện tích mà chủ trương tái cơ cấu lại ngành hồ tiêu theo hướng chất lượng cao, sản xuất đồ sạch, an toàn thực phẩm, gắn với việc giảm hoá chất hoá học (thuốc bảo vệ thực vật), để từ đó đưa nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi phân phối nông sản toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Tại hội nghị, các đại biểu là doanh nghiệp, chuyên gia trong các hiệp hội gia vị, hiệp hội hồ tiêu thế giới đã chia sẻ các thách thức mà ngành hồ tiêu Việt Nam đang gặp phải như các quy định nhập khẩu khắt khe, thuốc bảo vệ thực vật, sự liên kết, qua đó đưa ra nhiều kiến nghị giúp ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững.
Ông Gerhard Weber, đại diện Hiệp hội gia vị châu Âu (ESA) cho rằng, người nông dân Việt Nam hiện đang thiếu thông tin chất lượng và tiêu chuẩn của các quốc gia tiêu thụ hồ tiêu. Thời gian gần đây, đặc biệt trong năm 2018 chất lượng hồ tiêu Việt Nam đã được cải thiện do giảm thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ tiêu chuẩn EU MRL nên sản lượng vào châu Âu đã tăng 6%. ESA cam kết sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng hạt tiêu, ổn định thị trường xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hồ tiêu Việt Nam đang bước vào giai đoạn khó khăn khi giá giảm sâu so với 2-3 năm trước, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.
Hiện, hồ tiêu Việt Nam đã xâm nhập trên 100 quốc gia, chiếm tới 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu trên toàn thế giới. Để có được sản phẩm tiêu sạch đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, đã có 20 doanh nghiệp lớn trong ngành hồ tiêu đầu tư nhà máy chế biến riêng để xử lý hạt theo tiêu chuẩn công nghệ cao với tổng công suất chế biến khoảng 60.000 – 70.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất để gia tăng giá trị ngành hồ tiêu là sản xuất hạt tiêu nguyên liệu trên đồng ruộng. Vì thế mấu chốt là xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững trên cơ sở liên kết; trong đó có 2 mắt xích quan trọng là sản xuất ngoài đồng ruộng và chế biến trong nhà máy trên nền tảng hiện đại hoá, theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm.
Năm 2017, diện tích hồ tiêu trên cả nước đạt 152.000 ha, sản lượng đạt 240.000 tấn chiếm 48% sản lượng hồ tiêu thế giới. Trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu được hơn 215.000 tấn hồ tiêu, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD. Châu Á vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất (51%) trong tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.