Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương có dấu hiệu gia tăng trên toàn cầu. Vì vậy mục tiêu chính của các hội nghị lần này là thúc đẩy hợp tác kinh tế đa phương và tự do hóa thương mại thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong đó khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc tạo lập một cấu trúc thương mại mới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, người dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các sự kiện này, đã trình bày kết quả của các hội nghị cũng như sự tham gia của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chuỗi hội nghị AEM 50 và các hội nghị có liên quan lần này mang ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đối với riêng Việt Nam, khi nước ta chuẩn bị đăng cai các cuộc họp của ASEAN vào năm 2020, mà còn có nhiều ý nghĩa thiết thực đối với các nước ASEAN và các đối tác nhằm đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác như RCEP, thực thi một cách hiệu quả những hiệp định đã được ký kết và định hướng đàm phán với các đối tác mới như: Canada (Ca-na-đa), Nga và Hoa Kỳ. Nhìn chung, các Bộ trưởng ASEAN đã đạt được một số đồng thuận đối với những nội dung trên. Các kết quả này sẽ được tiếp tục triển khai để có thể báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới tại Singapore.
Trong khuôn khổ Hội nghị AEM 50, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã tập trung thảo luận một số ưu tiên trong trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại năm 2018 của ASEAN; rà soát tổng thể lộ trình thực hiện những cam kết trong các Hiệp định của ASEAN; tình hình thực hiện các ưu tiên năm 2018 nhằm hướng tới hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025. Ngoài ra, các bên cũng chỉ đạo định hướng tiến trình đàm phán Hiệp định RCEP với mục tiêu sẽ kết thúc đàm phán về cơ bản vào cuối năm 2018. Trong đó, các nội dung quan trọng nhất là: xây dựng các cơ chế về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại khu vực, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, xóa bỏ rào cản thương mại, phát triểnthương mại điện tử, xây dựng chỉ số thuận lợi hóa thương mại ASEAN, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), tận dụng tốt các ưu đãi và hướng tới thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các nước ASEAN...
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng đã đạt được các kết quả cụ thể là ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) để thông qua việc ứng dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN, và ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ 10 (AFAS 10) thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ. Việc cho phép doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ được coi là bước tiến quan trọng trong ASEAN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tận dụng tốt hơn các ưu đãi trong khuôn khổ ASEAN.
Về hợp tác ngoại khối, các bộ trưởng đã kiểm điểm lại các kết quả tích cực mà ASEAN với các đối tác đã đạt được trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia (Ô-xtrây-li-a), New Zealand (Niu Di-lân) và Trung Quốc. Các bộ trưởng cũng ghi nhận tình hình và tiến triển hợp tác với các đối tác khác như Canada, Nga và Hoa Kỳ đồng thời đưa ra định hướng nhằm đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.
Bên lề Hội nghị lần này, Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 6 cũng đã được tổ chức nhằm triển khai định hướng đã được các nhà lãnh đạo đề ra về quyết tâm thúc đẩy đàm phán. Cụ thể, các Bộ trưởng ASEAN đã cùng Bộ trưởng của các đối tác thảo luận những định hướng để đi đến thống nhất những nội dung quan trọng trong đàm phán như mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ đầu tư, sở hữu trí tuệ, hướng tới mục tiêu cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP vào cuối năm 2018 như chỉ đạo của các nhà lãnh đạo RCEP.
Về việc liệu RCEP có được các nước ký kết vào cuối năm nay như mong đợi hay không, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo 16 nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP, trong năm 2018, các nước đã rất nỗ lực thúc đẩy đàm phán. Từ đầu năm đến nay, đã có hai phiên đàm phán chính thức của tất cả các nhóm, hai Hội nghị Bộ trưởng và nhiều phiên đàm phán giữa kỳ được tổ chức từ đầu năm đến nay.
Tại Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 6 này, các Bộ trưởng của 16 nước đã thông qua Báo cáo của các Trưởng đoàn đàm phán về tình hình đàm phán RCEP, đồng thời thông qua Gói kết quả dự kiến cần đạt được cho đến cuối năm nay; trong đó các nước đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ kết thúc về cơ bản đàm phán mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ và đầu tư cũng như kết thúc đàm phán một số nội dung kỹ thuật để có thể hoàn toàn kết thúc đàm phán trong năm 2019.
Để đạt được mục tiêu trên, các Bộ trưởng ASEAN đã đưa ra một số gói cam kết mang tính định hướng để kết thúc đàm phán, thể hiện vai trò dẫn dắt của ASEAN trong đàm phán. Trên cơ sở các đề xuất của ASEAN, các Bộ trưởng đã thảo luận sâu về định hướng xử lý những vấn đề đang vướng mắc trong lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, thống nhất thời gian đưa ra các bản chào để có thể kết thúc đàm phán. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nội dung thảo luận của các Bộ trưởng là rất quan trọng để có thể xác định gói cam kết cuối cùng.
Đàm phán RCEP là một trong những cuộc đàm phán thương mại mang tính phức tạp nhất. Bên cạnh quy mô lớn của Hiệp định và số lượng thành viên tương đối đông thì trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên cũng rất khác biệt. Do vậy, bên cạnh ưu tiên đảm bảo sớm kết thúc đàm phán thì các nước ASEAN cũng quan tâm duy trì được tính cân đối của Hiệp định, thông qua việc đảm bảo các linh hoạt cần thiết cho các nước có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn.
Là thành viên ASEAN, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN, vừa thúc đẩy đàm phán vừa bảo vệ tối đa lợi ích của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam trong đàm phán Hiệp định RCEP. Đàm phán một hiệp định thương mại tự do giữa một liên kết gồm 10 thành viên với sáu nước đối tác có trình độ phát triển không đồng đều là một việc không hề dễ dàng. Với mục tiêu đạt được một hiệp định chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, ta đã tích cực tham gia thảo luận và chủ động đưa ra đề xuất trong một số lĩnh vực nhằm xử lý vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn đảm bảo lợi ích của ta.
Với tư cách là nước chủ toạ đàm phán về đầu tư trong RCEP, Việt Nam đã xây dựng gói đàm phán về đầu tư để các Bộ trưởng thông qua, làm định hướng để kết thúc đàm phán. Mặt khác, với vai trò chủ toạ đàm phán Nhóm Mua sắm chính phủ, tại Phiên đàm phán lần thứ 23/7 vừa qua tại Bangkok, Việt Nam cũng có đóng góp tích cực trong việc kết thúc đàm phán Chương Mua sắm chính phủ. Ngoài ra, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã tích cực góp phần và việc kết thúc đàm phán Chương Thủ tục hải quan và thuận lợi hoá thương mại.
Do đàm phán RCEP là một trong những cuộc đàm phán phức tạp nhất nên đàm phán cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, các nước đang rất quyết tâm kết thúc về cơ bản các nội dung đàm phán trong năm nay để có thể hoàn thành rà soát pháp lý và ký kết trong năm tới. Trong khuôn khổ hội nghị lần này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore là Chủ tịch đàm phán trong năm nay để thống nhất các mục tiêu trong đàm phán. Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng đã có các đóng góp để thống nhất “gói cam kết” làm cơ sở để kết thúc đàm phán trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các văn kiện được ký kết, trong đó có việc trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để áp dụng chương trình “tự chứng nhận xuất xứ”. Đây là chương trình từng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí. Với các đóng góp tích cực của Việt Nam, các Bộ trưởng ASEAN đã ký kết được chương trình chung của các nước ASEAN.
Về đàm phán dịch vụ trong ASEAN, Việt Nam đã có gói đề xuất cụ thể về định hướng để có thể ký kết Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN vào cuối năm nay. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã đưa ra đề xuất về lựa chọn đối tác của ASEAN trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN trong thời gian tới, được các nước ASEAN ủng hộ và thống nhất tiếp xúc trong thời gian tới để triển khai.
Riêng đối với đàm phán RCEP, với tư cách là nước chủ trì đàm phán về đầu tư, Việt Nam đã xây dựng gói đàm phán về đầu tư để các Bộ trưởng thông qua, làm định hướng để kết thúc đàm phán.
Có thể nói rằng RCEP là Hiệp định đầu tiên do ASEAN là trung tâm để thúc đẩy đàm phán. Việc kết thúc đàm phán sẽ thể hiện vai trò trung tâm của trong các thiết chế hợp tác khu vực. Hiệp định này là tập hợp các Hiệp định ASEAN đã có với các đối tác theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tận dụng các ưu đã từ Hiệp định.
Nói cách khác, RCEP là Hiệp định FTA có quy mô lớn nhất hiện đang được đàm phán, tạo ra một thị trường liên thông với khoảng 3,4 tỷ người tiêu dùng và quy mô GDP khoảng 49.500 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu. Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam và các đối tác.