Tham gia hội nghị có bộ trưởng và thứ trưởng phụ trách của 16 nước thành viên. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu tham dự hội nghị.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: EPA/TTXVN |
Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại một nước ngoài ASEAN. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới dự và có bài phát biểu. Ông Abe cho biết “trong bối cảnh những quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới tăng cao, sự chú ý đang được tập trung vào RCEP hơn bao giờ hết”. Ông cũng kêu gọi các quốc gia hãy tạo ra một thị trường tự do và công bằng dựa trên pháp luật.
Phát biểu mở đầu hội nghị Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước chủ nhà Nhật Bản Hiroshige Seko bày tỏ mong muốn tiếp tục các cuộc đàm phán với những tiến triển nhanh chóng và kêu gọi sự hợp tác của các quốc gia. Ông Seko thừa nhận rằng việc đạt được sự đồng thuận là không đơn giản, tuỳ thuộc vào cách làm, quan điểm chính trị của các quốc gia, song ông muốn đặt mục tiêu đạt sự thống nhất trong năm nay.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết hội nghị RCEP lần này đóng một vai trò rất quan trọng, đây là dịp để các nước rà soát đánh giá tiến bộ, tiến triển đối với một loạt các chương quan trọng của RCEP. Trong khoảng thời gian 5 năm đàm phán kể từ năm 2013, dù các bên đã có những nỗ lực rất lớn, tuy nhiên do RCEP là một hiệp định có nội dung quá rộng, trình độ phát triển của các nền kinh tế tham gia đàm phán rất khác nhau, vì vậy yêu cầu về lợi ích cần đảm bảo cũng rất khác nhau, nên hiện vẫn còn những khác biệt.
Trước cuộc họp bộ trưởng RCEP lần này, cuộc họp giữa các trưởng nhóm làm việc đã được triển khai tại Nhật Bản và đã đạt được những kết quả nhất định trong các lĩnh vực khó như thương mại điện tử, thủ tục hải quan, sở hữu trí tuệ… Các bên đã thống nhất rất cao về việc phải tiếp tục tạo dựng hơn nữa cơ sở xây dựng lòng tin, từ đó có cách tiếp cận tích cực hơn tạo sự đồng thuận lớn hơn, tiến tới vòng đàm phán cấp trưởng đoàn tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 7 tới, cũng như cuộc họp bộ trưởng bên lề hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào cuối năm tại Singapore, cố gắng đạt được sự đồng thuận chung cả gói vào cuối năm nay nhân dịp hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
16 quốc gia đàm phán RCEP gồm 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. RCEP bắt đầu đàm phán từ năm 2013, với các nước tham gia chiếm một nửa dân số thế giới và 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các bên mới chỉ nhất trí được 2 trong tổng số 18 lĩnh vực đàm phán.