'Bóng ma' nợ công lại ám ảnh nước Mỹ

Trong những ngày qua, dư luận thế giới lại lo lắng trước thông tin về nguy cơ Mỹ có thể sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu Quốc hội không nâng trần nợ công trước ngày 27/2. Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ phải đối mặt với nguy cơ này.


Tuy nhiên, cũng giống như lần trước, cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều nhận thức rõ hậu quả của việc nền kinh tế lớn nhất thế giới này bị rơi vào tình trạng vỡ nợ. Do vậy, nhiều khả năng họ sẽ hành động trước thời hạn chót để cứu nước Mỹ thoát khỏi điều tồi tệ đó. 


Lại nguy cơ vỡ nợ 


Vào đầu tháng 10/2013, nước Mỹ đã từng tiến gần tới nguy cơ vỡ nợ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này chỉ thoát khỏi nguy cơ đó vào phút chót sau khi Nhà Trắng và Quốc hội đạt được thỏa thuận về việc tạm ngừng áp dụng mức trần nợ công 16.700 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào ngày 7/2, nguy cơ vỡ nợ đã quay trở lại với nước Mỹ. 


Ảnh minh họa.


Tại thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính Mỹ đang phải thực hiện nhiều biện pháp kế toán đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ này, trong đó có việc tạm ngừng phát hành các chứng khoán.


Tuy nhiên, trong thư gửi các nhà lãnh đạo Quốc hội hôm 7/2, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew cảnh báo các biện pháp này sẽ chỉ giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ trong khoảng 3 tuần. Vào ngày 27/2, khi các biện pháp trên không còn tác dụng nữa, chính phủ Mỹ sẽ chỉ còn khoảng 50 tỷ USD tiền mặt và sẽ phải dựa vào khoản ngân sách ít ỏi này cùng với các khoản thu sắp tới để thanh toán các khoản chi có thể lên tới 60 tỷ USD một ngày. Do vậy, nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ sau ngày 27/2 là rất lớn nếu Quốc hội không nâng trần nợ công. 


Hậu quả khôn lường 


Trong trường hợp Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ công trước ngày 27/2, có ba kịch bản có thể xảy ra gồm: chính phủ Mỹ buộc phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu công để duy trì nợ công ở dưới ngưỡng 16.700 tỷ USD; Tổng thống Obama sẽ sử dụng điều khoản cho phép ông đơn phương nâng trần nợ công; chính phủ Mỹ sẽ rơi vào tình trạng “tạm thời mất khả năng thanh toán”.


Nếu kịch bản thứ ba xảy ra, nước Mỹ sẽ đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư bởi vì, từ trước đến nay, trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn được coi là an toàn nhất. Điều đó có thể châm ngòi cho làn sóng bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ và gây ra sự hoảng loạn ở các thị trường tài chính trên khắp thế giới. Khi đó, những người nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ đòi lãi suất cao hơn và do vậy, Mỹ sẽ phải chi hàng trăm tỷ USD để trả lãi suất cho các khoản nợ công trong những năm tới.


Tuần trước, trong phiên đấu thầu 8 tỷ USD tín phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 1 tháng, lãi suất của tín phiếu đã bị các nhà đầu tư đẩy lên mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái khi nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ đang lớn dần. 


Mặt khác, nếu nước Mỹ bị vỡ nợ, đồng USD có thể sẽ mất giá nghiêm trọng so với các đồng tiền chủ chốt khác và điều đó sẽ mang lại những hậu quả khôn lường cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này.


Năm ngoái, khi Mỹ tiến sát bờ vực vỡ nợ, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo chi tiết về các kịch bản có thể xảy ra nếu chính phủ thực sự mất khả năng trả nợ, trong đó khẳng định việc Mỹ bị vỡ nợ “có khả năng trở thành thảm họa”. Báo cáo có đoạn: “Các thị trường tín dụng có thể bị đóng băng, đồng USD có thể sẽ mất giá mạnh, lãi suất có thể tăng chóng mặt, các ảnh hưởng tiêu cực khác có thể lan rộng ra khắp thế giới”. 


Do vậy, tại thời điểm hiện nay, không chỉ có người dân Mỹ, các nhà đầu tư và các chính phủ trên khắp thế giới đều đang theo dõi sát sao các diễn biến trong cuộc chiến ngân sách ở Mỹ bởi vì, họ dù ít hay nhiều cũng đang nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc đồng USD – những thứ có thể mất giá nghiêm trọng nếu Mỹ bị vỡ nợ. 


Kịch bản cũ sẽ lặp lại 


Trên thực tế, kể từ năm 2011, nước Mỹ đã nhiều lần phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ do các nghị sỹ đối lập thường gây trở ngại cho chính quyền trong các cuộc bỏ phiếu về việc nâng trần nợ công tại Quốc hội. 


Cũng giống như các năm trước, lần này, một số nghị sỹ thuộc Đảng Cộng hòa đã tuyên bố họ sẽ đòi phe Dân chủ phải đưa ra các nhượng bộ chính sách trước khi họ đồng ý bỏ phiếu ủng hộ việc nâng trần nợ công. Tuy nhiên, lần này, các lãnh đạo phe Cộng hòa ở Hạ viện cũng như một số nghị sỹ bảo thủ đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng nhiều công sở của chính quyền liên bang phải đóng cửa hồi tháng 10 năm ngoái đều có cách tiếp cận thực dụng hơn. Phát biểu với các phóng viên hôm 6/2, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Eric Cantor nói: “Tôi tin rằng nước Mỹ sẽ không bị vỡ nợ và chúng tôi sẽ giải quyết yêu cầu tăng trần nợ công trước bất cứ thời hạn nào mà Bộ Tài chính đưa ra”. 


Mặc dù vậy, vẫn còn một số nghị sỹ trong phe Cộng hòa như Hạ nghị sỹ Joe Barton giữ quan điểm cứng rắn khi coi việc nâng trần nợ công một cách vô điều kiện là một sự đầu hàng. Vì thế, nhiều khả năng phe Cộng hòa sẽ đưa ra một số điều kiện để đổi lấy các lá phiếu ủng hộ việc nâng trần nợ công, nhưng danh sách này có thể sẽ không dài và các điều kiện sẽ không quá khó như các lần trước. 


Hiện tại, các điều kiện đang được phe Cộng hòa thảo luận bao gồm việc giảm tiền lương hưu trí trong quân đội và điều chỉnh tỷ lệ thanh toán cho các bác sỹ trong chương trình chăm sóc y tế cho người già Medicare. Đáng chú ý, phe Cộng hòa đã không còn yêu cầu chính quyền Obama phải thay đổi các điều khoản trong Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (mà nhiều người vẫn gọi là ObamaCare) hay thông qua dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối Canada và Mỹ để đổi lấy việc nâng trần nợ công. 


Về phần mình, Tổng thống Obama yêu cầu Quốc hội nâng trần nợ công một cách vô điều kiện và khẳng định không thương lượng về vấn đề này. Các nghị sỹ của đảng Dân chủ cũng cam kết sát cánh cùng ông Obama để hiện thực hóa mong muốn đó. 


Theo dự kiến, Hạ viện Mỹ sẽ không nhóm họp trong thời gian từ ngày 13 đến 24/2. Như vậy, từ nay đến cuối tháng 2/2014, Hạ viện Mỹ chỉ còn 7 ngày để quyết định liệu có thông qua việc tăng trần nợ công hay không. Do đó, có khả năng Hạ viện sẽ tổ chức bỏ phiếu về vấn đề trần nợ công trong tuần này.



Thanh Tùng

Trung Quốc tấn công vào ‘sân sau’ của Mỹ
Trung Quốc tấn công vào ‘sân sau’ của Mỹ

Ảnh hưởng vượt trội mới tại Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) chỉ là một phần trong bước can dự ngày một mạnh mẽ của Trung Quốc tại Trung Mỹ và Mỹ Latinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN