Ngày 7/2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng cảnh báo Quốc hội về nguy cơ nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu cơ quan lập pháp không sớm cho phép nâng trần nợ quốc gia. Ông Lew cảnh báo về việc Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 27/2. |
Mức vay mượn của chính phủ Mỹ ước tính chạm trần mới là 17.200 tỷ USD vào ngày 7/2, gần 4 tháng sau khi tháo được ngòi nổ của cuộc khủng hoảng nợ và đóng cửa chính phủ. Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew sẽ phải sử dụng đến các thủ thuật kế toán để có thể duy trì hoạt động của chính phủ cho đến khi quốc hội cho phép nâng trần nợ. Năm ngoái, cách đó đã cho chính phủ duy trì được trần nợ ở mức 16.700 tỷ USD thêm 5 tháng.
Trong bức thư gửi các nhà lãnh đạo quốc hội ngày 7/2, Bộ trưởng Tài chính Lew cảnh báo sau ngày 27/2 tới nước Mỹ sẽ không còn tiền để trả các khoản nợ nếu các nhà lập pháp không thông qua dự luật nâng trần nợ quốc gia. Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, sau ngày 27/2, nước Mỹ sẽ khánh kiệt tài chính vì cho tới nay chính phủ liên bang chỉ còn trong tay khoảng 50 tỷ USD tiền mặt, đủ chi trả tối đa trong ba tuần lễ.
Đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama, mâu thuẫn đảng phái đã đẩy nước Mỹ tiến sát tới bờ vực vỡ nợ. Kể từ năm 2011 tới nay, phe Cộng hòa tại quốc hội Mỹ luôn tìm mọi cách ngăn cản việc nâng trần nợ quốc gia để buộc Nhà Trắng phải có một số nhượng bộ. Theo thỏa thuận kết thúc tình trạng đóng cửa chính phủ vào cuối tháng 10 năm ngoái, quốc hội đã gia hạn cho Bộ Tài chính được phép tiếp tục vay mượn cho đến ngày 7/2.
Liên quan tới vấn đề trần nợ, ngày 6/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hối thúc Mỹ củng cố niềm tin vào nền kinh tế lớn nhất thế giới bằng việc nhanh chóng nâng trần nợ quốc gia. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn IMF, Gerry Rice, nêu rõ việc nâng trần nợ là rất cần thiết để giảm thiểu nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế Mỹ, mang lại sự tăng trưởng vững chắc và tạo việc làm. Ông Rice nhấn mạnh điều mà nền kinh tế Mỹ cần hiện nay là "tránh một cú sốc về niềm tin" do tranh cãi kéo dài xung quanh vấn đề nợ công.
Về tình hình nền kinh tế, Bộ Lao động Mỹ ngày 7/2 công bố báo cáo cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 1/2014 giảm xuống mức thấp trong 5 năm là 6,6%, khi số việc làm mới được tạo ra trong tháng là 113 nghìn. Tỷ lệ thất nghiệp của tháng vừa qua giảm nhẹ so với con số 6,7% của tháng 12/2013 và là thấp hơn nhiều so với mức 10% vào năm 2009, song vẫn là khá cao so với mức 5% được cho là biểu thị của một nền kinh tế trong thể trạng tốt.
Thái Hùng-Lê Minh