Hài hòa lợi íchQuang cảnh lễ thông xe đoạn Uông Bí - Hạ Long. Ảnh: Xuân Tùng/TTXVN |
Nhu cầu vốn đầu tư của ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2016-2020 cần hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi ngân sách dự kiến chỉ cân đối khoảng 11%.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, trong lĩnh vực đường bộ, thời gian tới, nhu cầu huy động vốn ngoài ngân sách sẽ được Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên cho trục cao tốc Bắc - Nam. Lĩnh vực hàng không sẽ tập trung triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Lĩnh vực đường thủy nội địa, hàng hải sẽ nghiên cứu đầu tư các bến, cảng quan trọng và lĩnh vực đường sắt nghiên cứu từng bước đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Có thể nói đất nước không thể phát triển nếu không đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng với tình hình như hiện nay, nhiều nhà đầu tư được hỏi liệu có dám tiếp tục tham gia đầu tư theo hình thức BOT hay không ? Và câu trả lời của nhiều nhà đầu tư là quan ngại, nhưng cũng có nhà đầu tư khẳng định sẵn sàng làm tiếp nhưng chính sách Nhà nước phải rõ ràng.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tasco cho biết: “Nhà nước có ngân sách hạn chế, không đủ khả năng đầu tư, nhưng với chính sách và tình trạng xã hội hiện tại đã làm nản lòng nhà đầu tư. Vì vậy, Nhà nước phải có biện pháp triệt để để thu hút đầu tư BOT:.
"Tôi cho rằng, càng vay ODA, vốn nước ngoài thì càng phải thu phí, để lấy tiền đoạn đường này, đầu tư phát triển đoạn đường khác. Một điều cần nói rõ, thu phí là Nhà nước thu, không phải nhà đầu tư. Quan tâm đến người dân là đúng, nhưng cần phải có chế tài, chính sách như quy định bán kính cụ thể được miễn và giảm cho dân, mức giảm là bao nhiêu và Nhà nước cần có chính sách bù đắp cho nhà đầu tư”, ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tasco, phải đẩy mạnh truyền thông hơn nữa để phản ánh rõ hiện trạng đang xảy ra ở các trạm thu phí, để người dân hiểu rõ, có trách nhiệm chung tay với Nhà nước giải quyết khó khăn. Chúng ta phải hồi tưởng lại những lúc đường xấu, xe cộ đi lại khó khăn, để hiểu rõ tầm quan trọng của BOT.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch Tập đoàn Cienco 4, trong điều kiện đất nước khó khăn, người dân phải chia sẻ với đất nước. Đường được xây dựng từ hình thức BOT không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi trên con đường đó mà còn làm lợi cho những con đường khác đã được BOT làm giải tỏa bớt áp lực.
Cũng theo ông Huỳnh, “nhà đầu tư không có lỗi gì trong việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng BOT, còn quyền lợi đến nay chắc chắn đang bị ảnh hưởng. Vậy, cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc này. Chúng ta phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”.
Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả bày tỏ: “Chúng ta luôn mong muốn có một con đường không phải thu phí. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được ở tương lai khi đất nước thịnh vượng, kinh tế phát triển, sẽ không còn nguy cơ của một số phần tử xấu lợi dụng lúc khó khăn để kích động, phá hoại chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Điều này dễ làm suy giảm ý chí cống hiến của nhà đầu tư, nhà đầu tư mong muốn sự ủng hộ của mọi người cho tương lai tốt đẹp đó trở thành hiện thực”.
Hoàn thiện cơ chế chính sách
Để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án hợp tác công tư; trong đó có hình thức BOT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, trong thời gian tới Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề ra một loạt giải pháp.
Đó là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để thực hiện giám sát các dự án đầu tư theo hình thức BOT; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan trong hoàn thiện cơ chế chính sách về đầu tư theo hình thức PPP; chuẩn bị kỹ lưỡng thông tin về dự án đầu tư theo hình thức PPP; công khai, minh bạch thông tin về dự án cần kêu gọi đầu tư trên Cổng thông tin điện tử (website) của Bộ Giao thông Vận tải tại địa chỉ http://ppp.mt.gov.vn.
“Cùng với đó Bộ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận, nắm bắt dự án, để có thể đi đến quyết định tham gia đầu tư, đồng thời là cơ sở quan trọng giúp nhà đầu tư tiếp cận vay vốn ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đặc biệt lựa chọn được những công trình dự án cấp bách, quan trọng có khả năng hoàn vốn tốt để kêu gọi đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.
Song song với các giải pháp trên, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân và xã hội; nghiên cứu để áp dụng thêm nhiều hình thức đầu tư đa dạng hơn, phù hợp đặc thù dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và phù hợp với các thông lệ quốc tế...
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề nghị tất cả các dự án sẽ đều phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, không áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư. Ngoài ra, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện khung pháp lý về điều chỉnh hình thức đầu tư PPP. Về lâu dài, cần tổng kết kinh nghiệm triển khai thực tiễn kết hợp kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và ban hành Luật về Đầu tư theo hình thức PPP.