Cụ thể, theo văn bản của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục này đã nhận được công thư số 65/2024/SDA/MAPA ngày 14/2/2024 của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) về việc dừng nhập khẩu cá rô phi (Tilapia) từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của MAPA.
Vì vậy, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản trong danh sách xuất khẩu sang Brazil dừng xuất khẩu cá rô phi (Tilapia) sang thị trường Brazil theo yêu cầu của Cơ quan kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) kể từ ngày 14/2/2024.
Đồng thời, các cơ sở chế biến thủy sản trong Danh sách xuất khẩu sang Brazil cần chủ động cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường Brazil.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam năm 2023 đạt hơn 6 triệu USD sang các thị trường, giảm 42% so với năm 2022.
Năm 2023, EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi từ Việt Nam với 2 triệu USD, giảm 34% so với năm 2022. Trong số đó, Hà Lan đóng góp gần 1 nửa tổng xuất khẩu cá rô phi Việt Nam sang thị trường EU. Năm 2023, lũy kế xuất khẩu cá tra sang Hà Lan đạt hơn 1 triệu USD, tăng 10% so với năm 2022.
Đứng sau EU, Mỹ tiêu thụ gần 1 triệu USD trong năm 2023, giảm 71% so với năm 2022. Cá rô phi đông lạnh là sản phẩm được ưa thích của người tiêu dùng tại Mỹ.
Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi lớn nhất thế giới và cũng là nguồn cung lớn nhất cho Mỹ. Cá rô phi Việt Nam tại Mỹ khó cạnh tranh với cá rô phi Trung Quốc, vì giá trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều dù đang có xu hướng giảm.